Multimedia Đọc Báo in

Buôn làng bừng sức sống mới

05:21, 24/01/2023

Cuộc sống mới đã  gõ cửa nhiều buôn làng khi đồng bào tìm được những đường hướng phát triển kinh tế từ chính đồng đất, nương rẫy và những nghề truyền thống đã có tự lâu đời...

Làng Mông xanh mướt cây rừng

Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột gần 90 km, thôn Ea Bar (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi. Nhưng khác xa sự heo hút ấy là một Ea Bar với những con đường bê tông chạy dài khắp thôn, những ngôi nhà được xây kiên cố, những triền đồi được phủ kín màu xanh của cây rừng, cây ăn trái.

Đường giao thông ở thôn Ea Bar được đầu tư làm thay đổi diện mạo nơi đây.

Là một trong những người đầu tiên định cư ở vùng đất từng chưa có tên trên bản đồ xã, đồng chí Hà Thị Hồng, Bí thư Chi bộ thôn Ea Bar tự hào trước sự “thay da đổi thịt” của nơi đây. 27 năm trước, Ea Bar chỉ là một đội, thuộc xã Cư Drăm, không điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt. Hơn 100 hộ, chủ yếu là người Mông đã cùng giúp nhau dựng nhà, làm cầu tạm qua hai con suối, gùi nước về đun nấu bằng những vật liệu tự nhiên như mây, tre nứa, lồ ô, gỗ...

Đến năm 2003, thôn Ea Bar được thành lập và thuộc sự quản lý của xã Cư Pui. 8 năm sau ngày thôn được “khai sinh”, toàn bộ người dân đã được cấp hộ khẩu, hệ thống cơ sở hạ tầng dần được đầu tư hoàn thiện. Chính sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương là động lực thôi thúc người dân vươn lên xây dựng làng Mông ngày càng trù phú.

Người dân tự đổi công cho nhau cùng gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch mùa vụ. Nhiều loại cây, con đã được đưa vào thử nghiệm cùng sự đoàn kết và chịu khó mày mò trong quá trình “dò đường” ấy đã tạo ra “quả ngọt” khi cây keo và cây dứa dần phủ xanh những vùng đất đồi cằn cỗi, bạc màu trước kia. Mỗi héc ta trồng keo, dứa đã đem lại thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm, giúp nhiều hộ thực sự đổi đời.

Với rừng keo lá tràm đến kỳ thu hoạch, đã có thương lái vào tận nơi định giá 60 triệu đồng, chị Dương Thị Vàng hồ hởi: Nếu trước đây người dân chủ yếu “lấy của rừng, sống dựa vào rừng” thì nay đã biết trồng cây gây rừng, trả lại màu xanh cho thiên nhiên. Với 1 ha keo lá tràm cùng hơn 2.000 cây dứa đến kỳ thu hoạch đủ để gia đình chị trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học.

Không riêng gia đình chị Vàng, người dân làng Mông ở Ea Bar đã chuyển đổi những vùng đất nghèo kiệt, bỏ hoang trước kia sang trồng hơn 150 ha dứa, trên 300 ha cây keo, đem lại thu nhập ổn định, cao gấp nhiều lần so với trồng cà phê, sắn và hoa màu ngắn ngày.

Bí thư Chi bộ thôn Ea Bar Hà Thị Hồng tự hào khoe rằng, toàn thôn hiện có 357 hộ thì trên 70% số hộ đã có xe máy, xe công nông, máy múc và cả ô tô phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Người dân không còn cảnh “bữa đói, bữa no”, lo nhà dột, gió lùa mà dần có “của ăn, của để”. Con em nhiều gia đình dân tộc thiểu số trong thôn đã học đến trung cấp, cao đẳng, đại học, có việc làm ổn định. Chính quyết tâm, đoàn kết giúp nhau vươn lên, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu đã thổi bừng sức sống mới của làng Mông nơi đây.

Sinh kế mới ở buôn Phơng

Không khí những ngày cuối năm ở buôn Phơng (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) càng thêm rộn rã, nhộn nhịp trong tiếng í ới của bà con gọi nhau đổi công ngày mùa, tiếng những chuyến xe đầy ắp nông sản vừa thu hoạch.

Chỉ trong vòng ít năm trở lại đây, đời sống của người dân buôn Phơng có sự thay đổi về mọi mặt, 100% đường giao thông ngõ xóm được bê tông hóa, nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang mọc lên.

Những chuyển biến tích cực ấy là sự hội tụ của nhiều động lực, trong đó, phải kể đến vai trò không nhỏ của việc phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở địa bàn có 95% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số này.

Chị H’Djieng Ênuôl ở buôn Phơng say mê với công việc dệt thổ cẩm.

Chị H’Djieng Ênuôl là một trong 6 hộ phụ nữ nghèo ở buôn Phơng thoát nghèo nhờ nghề dệt thổ cẩm. Trước đây, thu nhập cả gia đình chị chỉ dựa vào 3 sào cà phê, luôn thiếu trước hụt sau. Từ khi được học nghề dệt vải và tham gia Tổ hợp tác liên kết sản phẩm thổ cẩm xã Ea Tul, chị đã có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả gia đình.

Do đòi hỏi sự tỉ mỉ và sáng tạo cao nên mỗi sản phẩm được làm từ thổ cẩm dệt thủ công như chăn, áo nam, váy nữ thường có giá thành khá cao, từ 1 - 2 triệu đồng. Nhưng đây lại là món quà hết sức ý nghĩa trong những dịp lễ hội của cộng đồng, lễ cưới hỏi, chúc thọ, mừng nhà mới... Không chỉ cung cấp cho đồng bào dân tộc Êđê ở khắp các huyện, thị xã, thành phố, sản phẩm thổ cẩm do chị em tổ hợp tác làm ra đã dần tiếp cận với khách du lịch trong và ngoài nước, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, liên kết trong thị trường quà lưu niệm.

Chị H’Hương Niê, Tổ trưởng tổ hợp tác chia sẻ, trong năm tới, tổ hợp tác sẽ sửa chữa lại nhà gỗ trưng bày sản phẩm hiện nay thành ngôi nhà sàn truyền thống, làm địa điểm tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách. Từ đó, tổ hợp tác sẽ dần khai thác dịch vụ homestay, đưa các giá trị văn hóa truyền thống, ẩm thực của buôn phục vụ phát triển du lịch. Hướng đi này được kỳ vọng sẽ tạo thêm việc làm, tiếp tục phát triển nghề dệt thổ cẩm ở buôn Phơng, phát huy khối tài sản quý báu mà cha ông để lại cho chính cộng đồng dân tộc mình, góp sức cùng các buôn làng ở địa phương trong hành trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nguyễn Xuân - Đinh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.