Multimedia Đọc Báo in

 Dệt mùa xuân bằng... con chữ

04:48, 23/01/2023

Sự nghiệp “trồng người” ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn luôn chứa đựng thật nhiều những hy sinh thầm lặng của các thầy cô bám trường, bám lớp. Chính niềm vui, sự hồn nhiên của học trò cùng tình yêu với nghề giáo là những động lực lớn nhất giúp các thầy cô vượt mọi thử thách trong hành trình gieo tri thức cho mùa xuân tương lai.

***

Đã qua hai mùa xuân gắn bó với học sinh điểm Trường Tiểu học Cư M’Lan ở thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp), cô giáo trẻ Đặng Thị Hằng Hà vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đến nhận công tác. Thôn Bình Lợi nằm lọt thỏm giữa rừng sâu, cách trung tâm xã đến tận 20 km. Một mình chạy xe máy vào thôn, dù lường trước đoạn đường sẽ không bằng phẳng như ở những địa bàn trung tâm nhưng cô Đặng Thị Hằng Hà không khỏi hoảng hốt trước những đoạn đường lầy lội khiến chiếc xe liên tục trượt ngang. Dần dà, cô cũng quen với điều kiện công tác nơi đây và không nhớ nổi đã bao lần mất dép, mất ủng vì trượt ngã, bao lần phải gửi xe ở nhà dân, lội bộ đến trường.

Giờ lên lớp của cô giáo Đặng Thị Hằng Hà và học sinh điểm Trường Tiểu học Cư M'lan (thôn Bình Lợi, xã Cư M'lan, huyện Ea Súp).

Điểm trường tại thôn Bình Lợi có 7 lớp học với 186 học sinh, hầu hết là con em đồng bào dân di cư tự do. Sự học và giảng dạy nơi vùng sâu này thật lắm gian nan bởi cơ sở vật chất thiếu thốn, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn. Không ít lần, cô Hà nản lòng sau nhiều ngày mưa lớn, phải ăn mì gói vì bị cô lập trong thôn, nhưng hình ảnh các em nhỏ vượt đường xa đến trường, bữa cơm trưa mang theo chỉ có ít rau dưa đạm bạc, hay có những lúc cùng học trò chợp mắt trên nền xi măng lạnh ngắt lại thắp lên trong trái tim cô giáo trẻ tình yêu nghề, yêu trẻ trên hành trình gieo chữ. Đó cũng là động lực để cô thêm kiên trì, bền bỉ bám trường, bám lớp. “Niềm vui duy nhất của tôi là thấy các em học hành ngày càng tiến bộ và mong rằng đường sá, trường học nơi đây được đầu tư xây dựng thêm kiên cố để thầy cô yên tâm công tác, giúp các em viết tiếp những trang vở còn dang dở”, cô giáo Hà bộc bạch.

**

Ngoài giờ lên lớp, công việc gần như thường trực của các thầy cô ở Trường THCS Trần Quốc Toản (xã Ea R’bin, huyện Lắk) là vượt hàng chục ki-lô-mét đến từng thôn, buôn để vận động học sinh không bỏ học giữa chừng. Thầy Y Thắng Rơ Yam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản cho hay, toàn trường có 5 lớp với 181 học sinh thuộc 9 dân tộc, trong đó có 176 em là dân tộc thiểu số. Địa bàn xã có diện tích rất rộng, lại cách trung tâm huyện đến hơn 50 km nên đời sống người dân rất nghèo và lạc hậu. Nhiều học sinh phải nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ việc đồng áng, chăm sóc em nhỏ. Mỗi lần đi vận động các em trở lại trường, thấy những gương mặt ngây thơ trong dáng vẻ lam lũ dưới cánh đồng, các thầy cô thương đến trào nước mắt.

Các thầy cô Trường THCS Trần Quốc Toản (xã Ea R'bin, huyện Lắk) vượt đường sá khó khăn đi vận động học sinh ở vùng sâu, vùng xa quay trở lại lớp.

Trong hành trình vận động, rất nhiều em mặc cảm với hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên tìm cách lẩn trốn mỗi lần thấy thầy cô đến nhà. Các thầy cô đến từng nhà phụ đạo kiến thức, tỉ tê tâm sự về tương lai tươi sáng khi các em được học hành, vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con em mình đến trường, đến lớp.

Chính nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các thầy cô, nhiều học sinh đã không bị đứt gãy con đường học tập. Trong số đó, có những học sinh đã trưởng thành và trở lại viết tiếp hành trình gieo chữ của các thầy cô trên những vùng đất khó. Với bà con nơi đây, hy sinh của các thầy cô tựa như dòng sông cha Krông Nô chảy qua vùng đất này, lặng thầm bồi đắp cho những đổi thay của quê hương, bắt đầu từ chính sự tiến bộ trong học tập của những học trò nghèo. 

***

Mười hai năm trước, dù xung phong đến công tác tại xã vùng III Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) khi còn là một chàng thanh niên tuổi đôi mươi, nhưng thầy Nguyễn Thanh Bình, giáo viên mỹ thuật của Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước điều kiện dạy học hết sức vất vả, thiếu thốn nơi đây. Những năm đầu, thầy Bình phải vượt quãng đường hơn 40 km mỗi ngày. Nắng thì bụi, mưa thì ngập lụt, con đường đến trường càng khó khăn hơn khi chưa có cầu kiên cố, phải vượt suối bằng đò và cầu phao. Không những thế, các điểm trường cách xa nhau hàng chục ki-lô-mét vừa xong tiết học ở điểm này lại vội vã đến điểm trường khác cho kịp giờ lên lớp. Lắm lúc, thầy Bình cũng nản lòng, muốn bỏ nghề dạy học để theo đuổi công việc thiết kế nội thất với thu nhập gấp 3, 4 lần lương giáo viên. Thế nhưng, chính tình cảm với những thế hệ học trò nơi đây cùng những lời động viên từ bố mẹ - vốn cũng là những giáo viên về hưu là nguồn động lực tinh thần giúp thầy vượt qua tất cả khó khăn, sẵn sàng tăng tiết, kiêm nhiệm thêm vai trò Tổng phụ trách đội trong điều kiện thiếu giáo viên để học sinh được tiếp cận đầy đủ nhất với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Niềm vui của cô và trò điểm trường Tiểu học Trần Hưng Đạo tại thôn Thanh Thủy (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) .

Thầy Bình chia sẻ, phần lớn học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo là dân tộc thiểu số phía Bắc, theo cha mẹ di cư tự do đến vùng đất này. Các em có thể đến lớp với những chiếc áo đã ngả màu, những đôi dép chưa lành lặn, những mái đầu khét nắng và cả những em chưa giao tiếp được bằng tiếng phổ thông nhưng tất cả đều có chung tinh thần ham học và đặc biệt yêu thích môn mỹ thuật do thầy Bình phụ trách. Không lệ thuộc vào giấy vẽ, bút màu – những vật dụng mà học sinh nơi đây luôn thiếu, thầy Bình thường tổ chức lớp học ở ngoài trời, hướng dẫn các em chủ động quan sát và sáng tạo về thế giới quanh mình. Nhiều tiết học, cả thầy và trò cùng nhau cắt ghép, tô vẽ bằng chất liệu là các loại lá cây, hoa cỏ, viên sỏi, cành cây mà các em góp nhặt từ nhà đến trường. Chính những tiết học đầy ắp niềm vui ấy đã giúp các học sinh vùng sâu phát huy trí tưởng tượng, hình thành tư duy thẩm mỹ từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống.

Thanh xuân của các thầy cô đang được nối tiếp bằng thanh xuân của những lớp học trò khi mỗi học trò nghèo trên vùng quê nghèo hôm nay sẽ trở thành một nhân tố tích cực cho xã hội mai sau từ nền tảng kiến thức mà các thầy cô trao gửi. Đó cũng chính là những món quà mà các thầy cô dâng tặng cho đời.

Đinh Nga – Hoàng Gia – Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.