Multimedia Đọc Báo in

Giữ hương Tết của người xứ Quảng

08:59, 15/01/2023

Người Quảng Nam vào Đắk Lắk lập nghiệp, sinh sống, không quên mang theo cả nghề làm bánh tổ truyền thống. Mỗi dịp Xuân về, ổ bánh tổ là món không thể thiếu để dâng lên bàn thờ tổ tiên.

Trong ký ức của tôi, thấy bánh tổ là thấy hương vị Tết len lỏi khắp phố phường, là thấy mẹ tôi tất bật lo chuyện thờ cúng. Năm nào cũng vậy, làm gì thì làm, trong nhà cũng phải có ổ bánh tổ để cúng ông bà.

Đó là một trong những món bánh mang hương vị tinh tế và đậm đà quê hương xứ Quảng. Đám trẻ nhỏ trong nhà như tôi luôn ngóng chờ ngày tháng trôi nhanh, cận Tết để được thấy mẹ làm bánh tổ. Vì không như các loại bánh khác, bánh tổ là loại bánh chỉ xuất hiện duy nhất vào dịp Tết.

Ổ bánh tổ - món bánh đặc trưng của người xứ Quảng được bày bán ở chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Cứ vào những ngày cuối tháng Chạp, mẹ tôi lại tất bật phơi lá, xay nếp, chuẩn bị rọ được đan thành hình tròn để làm bánh tổ. Nguyên liệu chính tạo nên ổ bánh là nếp, đường, mè và gừng. Nếp phải chọn cho bằng được loại tròn đều, mẩy hạt, mang phơi thật khô rồi đem xay thành bột. Mè trắng hoặc đen, đãi sạch, phơi nắng và rang đều tay trong hơi lửa nhẹ. Đường dùng để nấu bánh phải là đường bát - loại đường đặc sản của xứ Quảng. Sau đó, tán nhỏ, nấu tan chảy thành nước, rồi trộn với bột nếp, nước theo tỷ lệ vừa phải, cho thêm một ít gừng giã nhuyễn. Tất cả trộn quyện vào nhau. Đây là công đoạn quan trọng nhất của việc làm bánh. Hầu hết những người phụ nữ quê Quảng Nam như mẹ tôi đều nằm lòng công thức pha trộn để cho ra hỗn hợp không quá đặc hoặc quá lỏng, bởi bột lỏng hoặc khô quá đều hỏng. Bánh được mang đi hấp cách thủy sau khi đã được đổ vào rọ bên trong đã lót sẵn hai lớp lá chuối, có tăm tre ghim kín chặt ở hai bên mép lá, tiếp đó rắc một ít mè lên trên.

Hấp bánh phải khéo canh lửa, để bánh chín tới, không bị sượng, rổ, quá cứng hoặc nước rơi vào trong làm bánh bị ướt nhão. Bánh cắt ra không bị dính bết vào dao. Mỗi mẻ bánh, mẹ tôi thường ngồi canh lửa, hấp trong ba giờ.

Bánh tổ, món bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người Quảng Nam.

Trong tâm khảm của người xứ Quảng như mẹ tôi, tục thờ bánh tổ để cầu mong an lành, may mắn, mọi sự hanh thông. Ổ bánh tổ luôn chiếm vị trí trang trọng trên bàn thờ giữa không khí thiêng liêng của ngày đầu năm mới, mang đủ đầy ý nghĩa cho một cái Tết sum vầy, an vui. Bởi thế, mẹ nói, làm bánh dâng ông bà tổ tiên, bao giờ cũng phải dành cả cái tâm mình.

Vì mỗi năm mới làm bánh một lần nên nhà tôi khi ấy cũng như nhiều gia đình khác trong xóm, một khi đã làm thì thường làm từ 3 - 5 kg nếp. Khi đó, phần dành để dâng lên ông bà, phần tiếp đãi khách đến chơi Tết và để thỏa lòng tụi con trẻ trong nhà.

Dù bánh được làm xong sớm, nhưng tụi nhỏ chỉ được đi qua đi lại... ngắm mà thôi. Đợi đến đêm Giao thừa, mẹ chọn mấy ổ bánh đều tay, đẹp nhất đặt trang trọng lên bàn thờ, sang xuân mới được mang ra thưởng thức. Giữa bao nhiêu bánh, mứt ngày Tết nhưng bánh tổ vẫn là món được tụi trẻ con trong nhà mong chờ nhất. Đứa nào cũng háo hức, chờ mẹ cắt từng lát bánh. Bánh ăn tươi như thế đã ngon rồi nhưng ngon nhất vẫn là... đòi mẹ mang đi chiên trên chảo dầu nóng.

Với tụi trẻ con chúng tôi ngày ấy, bánh tổ còn được coi như một món ngon để dành vì bánh làm ra để được lâu, đến mấy tháng mà không hề bị hư, ẩm. Thậm chí, bánh để lâu càng ngấm, vị đậm đà, thơm ngọt tăng lên nhiều.

Mấy ngày Tết nhanh chóng trôi qua, mẹ cất riêng chục ổ bánh, dúi tay con gái, con trai lúc đi học xa nhà để làm quà đãi bạn bè. Thi thoảng, bạn bè tụm ba tụm bảy, xắt từng lát mỏng đem chiên. Miếng bánh dẻo thơm, có vị thanh ngọt của đường, cay nồng của gừng làm ai cũng nhớ mãi.

... Nhiều năm nay, dịp Tết trong nhà ít khi có bánh tổ, vì mẹ tôi đã không còn. Năm nay, tự nhiên nhớ, tự nhiên thấy thèm. Hồn quê đâu đó lại tìm về, tôi phóng xe chạy ra phố, tìm mua ổ bánh tổ. Chợ Ban Mê ngày cuối năm, cũng không quá khó để tìm ổ bánh đặc sản của người xứ Quảng, nhưng bây giờ người ta gói bằng cách đặt túi nilon vào trong chiếc rọ tre để lên khuôn cho tiện.

Không có ổ bánh nào của ngày cũ! Ổ bánh có mùi lá chuối, do bàn tay mẹ tôi gói chỉ là hương vị Tết của ngày xưa... Tôi vẫn lưu giữ trong tim mình.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.