Linh hoạt trong tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá
Trở lại dạy và học trực tiếp tại trường sau hai năm gián đoạn do dịch bệnh, các cơ sở giáo dục (CSGD) gặp không ít khó khăn. Trong học kỳ I năm học 2022 - 2023, nhiều CSGD cố gắng thích ứng, linh hoạt trong tổ chức dạy, học và đánh giá chất lượng kỳ học.
1 cuốn sách cần 3 giáo viên dạy
Theo phản ánh của các CSGD, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 khá nặng, nhiều học sinh bị hổng kiến thức do các năm học trước học gián tiếp nên việc dạy và học rất vất vả. Chưa kể, Chương trình GDPT 2018 có những môn học mới với nội dung mới, nhất là bậc THCS khiến các CSGD rất bị động trong tổ chức dạy, học và kiểm tra, đánh giá.
Thấy rõ nhất là môn Khoa học tự nhiên ở bậc THCS. Môn học này chỉ có một cuốn sách duy nhất nhưng lại là tổng hợp 3 nội dung kiến thức khác nhau, tương ứng 3 môn học của chương trình cũ là Vật lý, Hóa học, Sinh học. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn tỉnh lại chưa có giáo viên Khoa học tự nhiên buộc các CSGD và giáo viên phải linh động sắp xếp kế hoạch dạy và học phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của từng đơn vị. Hầu hết, thời khóa biểu của các CSGD phải thay đổi 4 tuần/lần mới đáp ứng được khung chương trình chung.
Giờ ôn tập của học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Buôn Ma Thuột). |
Tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Buôn Ma Thuột), việc dạy và học môn Khoa học tự nhiên khối 6, 7 do 3 giáo viên dạy 3 môn theo chương trình cũ là Vật lý, Hóa học, Sinh học đảm nhận theo từng bài học. Tuần học đầu tiên, giáo viên dạy môn Vật lý theo chương trình cũ đảm nhận bài 1 của sách Khoa học tự nhiên lớp 7; nội dung Hóa học học từ bài 2; nội dung Sinh học học từ bài 21; các tiết học tiếp theo được thực hiện kế tiếp theo từng nội dung. Nghĩa là chỉ 1 cuốn sách nhưng có 3 giáo viên dạy; khi học phải ghi 3 cuốn vở theo 3 nội dung khác nhau (Hóa học, Sinh học, Vật lý) để dễ ôn tập và giữ mạch kiến thức bài học. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc ghi chép bài học, tiếp nhận kiến thức của học sinh.
Chưa hết, việc dạy và học thích ứng với dịch bệnh trong những năm học trước tuy bảo đảm tiến độ chung nhưng kết quả không thể bằng học trực tiếp tại lớp. “Phụ huynh khối 6 nắm bắt rõ chương trình học thay đổi nên đã chủ động phối hợp với nhà trường theo dõi việc học tập của học sinh. Còn giáo viên dạy khối 7 rất vất vả khi vừa phải trang bị kiến thức mới, vừa bổ sung kiến thức cũ bị hụt thì học sinh mới nắm được bài”, cô Đỗ Thị Huyến, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cho hay.
Ở bậc THPT cũng gặp khó khi giáo viên phải thực hiện đồng thời hai chương trình giáo dục (Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10; chương trình cũ ở lớp 11, 12) với những môn học, cách thức tổ chức dạy học và đánh giá khác nhau.
Linh hoạt trong tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh
Trước những khó khăn, thách thức từ thực tế triển khai kế hoạch dạy và học của học kỳ I, các CSGD đã linh hoạt tổ chức kiểm tra, đánh giá để bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Cô Trần Thị Minh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ, tùy vào thời lượng, nội dung học tập mà lượng kiến thức các phần (Hóa học, Sinh học, Vật lý) trong đề kiểm tra cuối học kỳ I khác nhau. Giáo viên phụ trách nội dung nào sẽ ra đề, chấm theo nội dung đó và tổng hợp lại thành một điểm số duy nhất theo đúng quy định.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pắc) xem số báo danh trước kỳ kiểm tra học kỳ I, năm học 2022 - 2023. |
Còn ở bậc THPT, học sinh có thể sử dụng kết quả học kỳ I để xét tuyển trong tương lai, do đó các trường đã tổ chức ôn tập kỹ trước khi kiểm tra. Thầy Võ Quốc Phong, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pắc) cho hay, từ tháng 1/2023, trường tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh theo hình thức tập trung theo khối lớp (khối 11 và 12 là buổi sáng, khối 10 buổi chiều); đề kiểm tra, hình thức tổ chức giống như một kỳ thi tốt nghiệp THPT để học sinh làm quen. “Trước đó, nhà trường đã tổ chức ôn tập theo từng nội dung, theo bộ đề cho học sinh nhằm giảm bớt áp lực, tạo động lực để các em cố gắng trong học kỳ II tới”, thầy Phong nhấn mạnh.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT về nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022 – 2023 thì các CSGD chủ động tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng theo từng chương trình giáo dục. Trong đó, chú trọng đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tổ chức ra đề và kiểm tra chung trong đơn vị theo khối lớp. |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc