Multimedia Đọc Báo in

Trọn vị ngày Xuân

00:55, 22/01/2023

Tết đến Xuân về, mỗi gia đình người Việt đều cố gắng sửa soạn những mâm cỗ tươm tất dâng cúng trời đất, tổ tiên với tất cả lòng thành kính. Đặc biệt, sự sum vầy, đoàn viên của các gia đình bên mâm cỗ Tết chính là nét truyền thống đáng quý từ bao đời nay.

Tết cổ truyền trong tâm thức của mỗi người Việt giữ một vị trí quan trọng, rất đỗi thiêng liêng. Đó là nét đẹp, chứa đựng nhiều phong tục tập quán mang đậm cốt cách, văn hóa và tinh thần của người Việt Nam. Từ xưa đến nay, trong đời sống tinh thần của người Việt, Tết cần phải đủ đầy để cả năm no ấm, vì vậy mọi người vẫn luôn sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn trong những ngày này. Rời dải đất miền Trung vào Đắk Lắk lập nghiệp từ những năm 1990, cứ mỗi dịp Tết đến, ông Nguyễn Cao Cương (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) vẫn tự tay gói những chiếc bánh chưng, bánh tét và thao thức ngồi bên bếp lửa chờ bánh chín. Ông trải lòng, mỗi dịp Xuân về, mâm cỗ trong nhà mà không có bánh chưng hẳn như sẽ thiếu đi cả cái không khí Tết. Bởi thế, vào những ngày giáp Tết, ông cùng nhiều gia đình ở đây vẫn duy trì phong tục gói bánh chưng. Cùng với đó, những bà nội trợ tất bật thái củ, quả làm dưa món, mứt tết.

Trải qua thời gian, mâm cỗ Tết cổ truyền cũng giản dị hơn xưa rất nhiều, nhưng vẫn luôn có sự hiện diện của những món ăn đặc trưng, truyền thống.

Để mâm cỗ ngày Tết hài hòa, bắt mắt, vợ ông luôn chăm chút, tỉ mẩn cho từng món ăn, dù gì cũng không thể thiếu những món truyền thống như: bánh chưng, bánh tét, gà luộc, dưa món, chả ram, giò lụa, thịt ngâm mắm... Đặc biệt, món thịt ngâm mắm chứa đựng biết bao kỷ niệm về mảnh đất miền Trung gió Lào nắng cháy, nơi ông cùng vợ sinh ra và lớn lên. Ông Cương kể, ngày xưa cuộc sống vất vả, nhà đông con, chỉ khi đến Tết, gia đình ông mới có thịt để ăn, bởi thế khi chế biến thường chia thịt thành từng khúc, luộc lên, ngâm chung với nước mắm để dành ăn đến lúc hết Tết. Từ đó đến nay, trong góc bếp của gia đình ông ngày Tết luôn có hũ thịt ngâm mắm. Chỉ đơn giản là món thịt đậm đà quyện với mớ rau thơm, chấm vào chén mắm ớt tỏi cay xè mà nghe như thấm đẫm phong vị quê hương.

Đến nay, nhiều gia đình người Việt vẫn duy trì, gìn giữ cho mâm cỗ ngày Tết với tâm niệm hướng về những giá trị văn hóa truyền thống. Là người miền Bắc di cư vào Đắk Lắk sinh sống, đối với bà Nguyễn Thị Huế (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng), mâm cỗ ngày Tết còn là thể hiện sự đảm đang, khéo léo của phụ nữ. Bên cạnh những món truyền thống như: bánh chưng, gà luộc hay giò lụa, mâm cỗ ngày Tết của gia đình bà không thể thiếu món thịt đông đặc trưng ngày Tết của người miền Bắc. Món ăn được làm từ thịt heo, thịt gà, mộc nhĩ, nấm hương, thêm gia vị rồi ninh nhừ, sau đó để lạnh cho đông lại với lớp mỡ trong veo. “Món thịt đông trong ngày Tết có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Sự hòa quyện giữa các nguyên liệu cùng màu sắc trong trẻo của món ăn thể hiện sự gắn kết của các thành viên, tượng trưng cho những điều may mắn sẽ đến với cả gia đình trong năm mới”, bà Huế bộc bạch

Tết Nguyên đán là dịp để gia đình sum họp.

Trải qua thời gian, mâm cỗ Tết cổ truyền đã giản đơn hơn xưa rất nhiều, nhưng vẫn luôn có sự hiện diện của những món ăn đặc trưng, truyền thống. Ngày nay, nhiều mâm cỗ ngày Tết có thể dễ dàng đặt mua bên ngoài mà không phải mất công mua sắm, chế biến cầu kỳ. Dẫu vậy, trong tiềm thức của nhiều người, họ vẫn muốn cùng người thân tự tay chuẩn bị và chế biến để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, ông bà, cũng như mang lại không khi rộn ràng, niềm vui khi Tết đến.

Tết Nguyên đán là dịp để gia đình sum họp. Đó là thời gian những người con đi làm ăn xa quê trở về, là sự háo hức của trẻ nhỏ, hơn hết là sự ngóng trông con cháu của những bậc làm cha làm mẹ suốt một năm trời mong chờ. Bởi vậy mâm cơm, mâm cỗ ngày Tết lại càng đặc biệt xiết bao. Tết đến, đất trời chuyển mình, cái se lạnh của tiết trời khiến cảm giác đoàn viên càng thêm ý nghĩa. Ngày đầu năm mới, mâm cỗ đủ đầy, gia đình sum họp, như vậy mới trọn vị ngày Xuân.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.