Cán bộ thú y tận tâm với công việc
Dù làm việc bán chuyên trách, mức lương chưa đến 1,5 triệu đồng/tháng nhưng bằng sự nhiệt huyết, yêu nghề, sáng tạo trong công việc, anh Lê Văn Vũ (SN 1987), cán bộ thú y xã Ea Drơng (huyện Cư M’gar) đã đóng góp tích cực trong công tác phòng dịch, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của bà con nông dân và bảo đảm môi trường ở địa phương.
Xã Ea Drơng có 13 thôn, buôn; khoảng 3.000 con gia súc, nhưng chỉ có 1 cán bộ thú y. Trung bình mỗi năm, thú y xã tổ chức từ 2 - 3 đợt tiêm phòng vắc xin và các đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường nên khối lượng công việc khá lớn. Nếu không tâm huyết, nhiệt tình thì anh Vũ khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Là cán bộ thú y cơ sở, hễ hộ chăn nuôi trong xã cần là anh có mặt ngay, nhất là khi tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. "Đó vừa là trách nhiệm, vừa là tình làng nghĩa xóm", anh Vũ chia sẻ.
Để bảo đảm tiến độ và hiệu quả việc tiêm vắc xin, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hằng ngày từ 6 giờ, anh Vũ chất đồ nghề (gồm: thùng đá, xi lanh, thuốc, vắc xin...) lên chiếc xe máy cũ kỹ, rong ruổi khắp các thôn, buôn trong xã.
Thời gian làm việc của anh linh hoạt, cao điểm là từ 6 - 8 giờ 30 và từ 16 - 19 giờ mỗi ngày, vì khi đó bà con mới có ở nhà để anh tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Anh Lê Văn Vũ sáng tạo ra cây "súng" tiêm phòng cho vật nuôi. |
Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn xã chủ yếu nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, đặc biệt bà con vẫn giữ thói quen chăn nuôi bán thả rông nên khó bảo đảm các điều kiện vệ sinh phòng bệnh.
Do đó, quá trình đi cơ sở, gặp các hộ chăn nuôi, anh Vũ tuyên truyền, hướng dẫn bà con bảo đảm việc tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi, nâng cao nhận thức phòng dịch, hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi.
Nghề thú y thường xuyên tiếp xúc với động vật nuôi nhốt, chất thải động vật nhưng hiểm nguy nhất là đối diện với vật nuôi hung hãn mỗi khi tiêm phòng, chữa trị bệnh. Việc bị bò rượt, bò đá, heo cắn... là chuyện thường tình.
Anh Vũ kể, “sự cố” làm anh nhớ nhất là vào năm 2013, trong một lần tiêm phòng cho đàn bò của người dân trong xã, anh đã bị bò đá bong gân tay, phải nghỉ làm cả tuần.
Tai nạn nghề nghiệp ấy khiến anh trăn trở, tìm cách chế tạo dụng cụ tiêm phòng thú y để bảo đảm khoảng cách an toàn cho người tiêm, hơn nữa thao tác tiêm phải nhanh, dứt khoát để không bị con vật đá trúng.
Anh Vũ cùng một người bạn làm cơ khí suy nghĩ, lên ý tưởng thiết kế cây “súng” tiêm phòng có thành phần cấu tạo chính là tay cầm dài 1,2 m, một đầu có giá đỡ đấu với xilanh để tiêm vắc xin, thuốc chữa bệnh cho vật nuôi; đầu còn lại thiết kế bộ phận điều khiển giúp người dùng dễ dàng tác dụng lên pitông, tạo ra lực đẩy thuốc tới đầu kim tiêm.
Ban đầu, anh Vũ sử dụng vật liệu là sắt để làm ra cây “súng” sau đó thay thế bằng chất liệu nhôm nhằm giảm trọng lượng giúp người tiêm dễ dàng thao tác, nhưng chất liệu này có khuyết điểm là độ bền không cao.
Cuối cùng, anh Vũ quyết định chọn chất liệu inox. Phải mất 3 năm sau khi đưa vào dùng và điều chỉnh, cây “súng” tiêm phòng mới hoàn thiện như bây giờ. Anh cho hay: "Nguyên vật liệu để làm cây “súng” tiêm phòng dễ dàng mua được trên thị trường, chi phí khoảng 400.000 đồng/cây, bảo đảm công năng sử dụng.
Từ ngày có cây “súng” tiêm phòng, việc tiêm phòng cho đàn gia súc đơn giản, an toàn. Nhờ đó, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn vật nuôi ở địa phương luôn đạt tỷ lệ cao. Anh Vũ còn làm ra nhiều"súng" tiêm phòng tặng cho đồng nghiệp ở các xã trong huyện cùng sử dụng để phục vụ công việc hằng ngày.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc