Chủ động ngăn ngừa tai nạn rơi xuống hố, giếng sâu
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ việc người dân bị thương vong khi rơi, lọt xuống hố, giếng sâu. Trong đó, xót xa nhất là vụ việc bé trai ở Đồng Tháp thiệt mạng do rơi xuống móng cọc trụ bê tông sâu 35 m trong công trường đang xây dựng.
Ở tỉnh Đắk Lắk, trong 20 ngày qua cũng đã xảy ra 3 vụ tai nạn do sơ suất rơi xuống giếng. May mắn có 3 nạn nhân được cứu sống kịp thời, song đáng tiếc là 1 trường hợp cháu bé 3 tuổi ở buôn Kram, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) đã tử vong.
Lực lượng chức năng triển khai cứu nạn một nạn nhân bất cẩn rơi xuống giếng sâu tại huyện Cư Kuin. Ảnh: Tường Linh |
Để phòng ngừa các vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc triển khai các biện pháp kiểm tra, cảnh báo, bảo đảm an toàn đối với các công trình xây dựng, các hố/giếng sâu bỏ hoang. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Cụ thể, đối với giếng nước đang dùng trong gia đình, cần chú ý xây thành giếng cao, chắc chắn, có nắp che chắn; đối với các giếng không dùng đến hoặc các hố sâu trong phạm vi khu vực đất, rẫy của gia đình, cần dựng rào chắn, che đậy cẩn thận; nên có biển báo để người lớn lưu ý không tiếp cận hoặc nhắc nhở trẻ em không tiếp cận khu vực này.
Nên chôn, lấp hoặc bịt kín tất cả các giếng, hố sâu khi không dùng đến để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. Đồng thời, hạn chế đi vào những khu vực mà có cỏ, cây che khuất lối đi, trong trường hợp cần thiết thì nên lấy cành cây (làm gậy) để kiểm tra các vị trí mà mình sẽ bước đến.
Đặc biệt đối với những gia đình có trẻ nhỏ, người già, người tâm thần… thì càng cần sự quan tâm, quan sát chặt chẽ, tránh xảy ra các tai nạn để lại hậu quả thương tâm bởi đôi khi chỉ vì sơ suất nhỏ mà hậu quả vô cùng lớn.
Trung úy Dương Thị Thu Nguyệt
(Công an tỉnh Đắk Lắk)
Ý kiến bạn đọc