Multimedia Đọc Báo in

Chung tay giữ bình yên địa bàn

08:11, 13/02/2023

Với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

“Phủ sóng” camera giám sát an ninh

Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân và hỗ trợ lực lượng chức năng nắm bắt tình hình địa bàn, đối tượng, điều tra phá án… năm 2018, mô hình "Camera giám sát an ninh" được một số xã, phường trên địa bàn thị xã triển khai thực hiện từ nguồn kinh phí của địa phương và xã hội hóa. Đến nay, tất cả 12/12 xã, phường đã triển khai và xây dựng với tổng số 235 mắt camera được lắp đặt tại các trục đường chính, ngã ba, ngã tư; nơi địa bàn phức tạp, khu vực giáp ranh giữa các địa bàn...

Cán bộ Công an phường Thống Nhất nắm bắt tình hình an ninh qua hệ thống camera giám sát.

Đơn cử như phường Thống Nhất đã xây dựng mô hình "Camera giám sát an ninh" với 48 mắt được lắp đặt tại 24 điểm công cộng với tổng kinh phí 152 triệu đồng. Từ khi có camera giám sát, lực lượng Công an phường đã điều tra, làm rõ nhiều vụ việc về trộm cắp, đánh rơi tài sản, an ninh trật tự tại địa phương… Điển hình như vào ngày 21/4/2021, qua trình báo của chị Nguyễn Thị Thơ (tổ dân phố 4) về việc bị cướp giật tài sản khi đang đứng trước cổng nhà, lực lượng Công an phường đã nhanh chóng trích xuất camera, phối hợp với lực lượng Công an thị xã bắt giữ đối tượng gây án.

 

“Các mô hình gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn thị xã cơ bản phù hợp với đặc thù của các địa phương và được nhân dân đón nhận, ủng hộ. Các mô hình đã mang lại hiệu quả cao, góp phần răn đe, phòng ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật; giúp kiềm giảm tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội” - Trung tá Lê Thị Kim Anh, Phó Trưởng Công an thị xã Buôn Hồ

Theo ông Cao Văn Khanh, Trưởng Công an phường Thống Nhất, mô hình "Camera giám sát an ninh" đã mang lại hiệu quả thiết thực. Những hình ảnh thu nhận được từ hệ thống camera an ninh không chỉ góp phần giữ gìn an ninh trật tự mà còn là cơ sở, dữ liệu để lực lượng công an truy dấu vết tội phạm, thu thập chứng cứ, phục vụ quá trình điều tra phá án.

Ngoài việc huy động xã hội hóa lắp mới camera, lực lượng công an và UBND các xã, phường đã tuyên truyền, vận động các hộ dân, doanh nghiệp có sẵn hệ thống camera giám sát trong gia đình, đơn vị lắp đặt thêm một mắt hoặc điều chỉnh hướng quan sát ra phía ngoài đường để hỗ trợ lực lượng chức năng trích xuất hình ảnh khi cần. Qua đó, đã phát triển thêm 148 mắt giám sát, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng nếp sống văn hóa, tự giác chấp hành luật, quy định của địa phương.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Có thể nói, mô hình “Camera giám sát an ninh” chỉ là một trong số nhiều mô hình gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai có hiệu quả trên địa bàn thị xã Buôn Hồ thời gian qua. Cụ thể, đến nay các xã, phường, đơn vị đã xây dựng được 40 mô hình bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, có những mô hình đã và đang được Công an thị xã triển khai nhân rộng như mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC)” nhằm tăng cường nhận thức về công tác bảo đảm an toàn PCCC, cứu nạn cứu hộ kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Mô hình "Thôn, buôn, tổ dân phố nói không với pháo" cũng đã được triển khai tại 12/12 xã, phường; thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia. Kết quả, trong năm 2022, lực chức năng thị xã đã phát hiện và tạm giữ hành chính 6 trường hợp có hành vi sử dụng các loại pháo không được phép (giảm 60% so với năm 2021); vận động người dân giao nộp và thu hồi được gần 200 quả pháo các loại…

Người trong diện tái hòa nhập cộng đồng (xã Ea Siên) ký cam kết chấp hành pháp luật

Hay như mô hình "Vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng" đã được triển khai tại phường Thống Nhất và xã Ea Siên. Theo đó, phường Thống Nhất đã hỗ trợ một trường hợp thanh niên tái hòa nhập dưới hình thức hỗ trợ, giới thiệu việc làm với mức lương trung bình 7,5 triệu đồng/tháng; xã Ea Siên kết nối một đại lý thức ăn chăn nuôi hỗ trợ nguồn vốn vay 200 triệu đồng cho một công dân hoàn lương để phát triển kinh tế bằng mô hình trang trại nuôi vịt khép kín. Hiện nay, Công an thị xã đang đề nghị các xã, phường còn lại triển khai nhân rộng và hoàn thành trước tháng 10/2023.

Theo lãnh đạo Công an thị xã Buôn Hồ, điều quan trọng không phải là việc phát triển số lượng các mô hình, phong trào mà chủ yếu là quan tâm chất lượng, hiệu quả. Do đó, với những mô hình hoạt động hiệu quả sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân biết, tham gia; đối với những mô hình không còn phù hợp với thực tế sẽ tiến hành thanh loại.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.