Multimedia Đọc Báo in

Chuyện cây bàng vuông Trường Sa ở Đắk Lắk

08:36, 26/02/2023

Ai đã một lần đặt chân đến quần đảo Trường Sa đều ngỡ ngàng vì các đảo lớn, đảo nhỏ đều có rất nhiều cây xanh. Trong đó, bàng vuông là một loài cây thân gỗ chỉ có ở Trường Sa.

Lá bàng vuông từa tựa như lá cây bàng trên đất liền, nhưng xanh thẫm, lớn và dày dặn hơn. Cây thường ra hoa vào mùa xuân và điều đặc biệt là chỉ e ấp nở vào ban đêm, để sáng kiêu hãnh xòe ra khoe nắng gió những cánh nhỏ li ti trên đầu màu tim tím và phía dưới trắng muốt, đẹp một cách hoàn hảo. Những bông hoa ấy dần khô đi, hóa thân thành những trái bàng có bốn cạnh hình vuông, rất lạ trong các loại cây có trái ở Việt Nam. Bàng vuông có sức chống chọi rất kiên cường với bão gió dữ dội của biển khơi.

Hầu như các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Đá Tây, Song Tử Tây… đảo nào cũng có, ít thì vài cây, nhiều thì hàng chục cây xòe tán rộng che mát cho chiến sĩ luyện tập, cho những căn nhà quân dân và trường học, những con đường chạy dọc ngang trên đảo. Có những cây chắc chắn đã hàng trăm năm tuổi, bởi những người lính có thâm niên cao nhất đã từng ở Trường Sa, đều không thể biết cây có tự thuở nào.

Cây bàng vuông trồng trong sân trụ sở cũ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. 

Cây bàng vuông trở thành biểu tượng kiên cường trước sóng gió, riêng của quân và dân trên quần đảo Trường Sa, được những người lãng mạn gọi là “Nữ hoàng sắc đẹp của các loài hoa trên quần đảo Trường Sa”. Bất cứ vị khách nào đến với Trường Sa đều mong muốn được mang trong hành trang về đất liền – tùy theo mùa – một trái bàng vuông hoặc một bông hoa trắng tím ép trong sổ tay.

Đoàn các dân tộc anh em ra thăm Trường Sa năm ấy, có cả những dân tộc rất ít người như La Hủ (tỉnh Lai Châu), Cơ Lao, Pu Péo, La Chí (tỉnh Hà Giang), Pà Thẻn, Bố Y (tỉnh Lào Cai), Sán Chay (tỉnh Tuyên Quang), Brâu và Rmâm (tỉnh Kon Tum), Ơ Đu (tỉnh Nghệ An), Chứt (tỉnh Quảng Bình)… Trong đoàn, cao tuổi nhất là già làng A Kheo (dân tộc Bâhnar ở Kon Tum) và Hồ Xuân Điền (dân tộc Tà Ôi ở Thừa Thiên – Huế) cùng 65 tuổi; trẻ nhất là cô gái Phùng Thị Lê Na (dân tộc La Hủ ở Lai Châu) tròn 24 tuổi. Hầu hết đều là lần đầu tiên ra thăm biển đảo của Tổ quốc (già A Kheo thậm chí còn thử xem nước biển có mặn thật không!). Nhóm đồng bào dân tộc Đắk Lắk lúc ấy chỉ có tôi – đại diện cho dân tộc Êđê và chị Triệu Thị Ngoan (dân tộc Tày) khi ấy là Phó Chủ tịch đương nhiệm Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Trong rất nhiều hoạt động đầy ý nghĩa và thú vị: viếng đài liệt sĩ, thắp nhang trong đền thờ Bác Hồ, trồng cây ở chùa, dự lễ cầu an và cầu vong linh các anh hùng liệt sĩ và người dân tử nạn trên biển, tham quan các khu nhà công vụ, xóm dân cư, vườn rau của chiến sĩ, biểu diễn văn nghệ, hát cho nhau nghe…, tôi và chị Ngoan còn gặp và trò chuyện với hai chiến sĩ cùng quê Đắk Lắk: Chính trị viên trạm Ra đa Phạm Văn Lĩnh (nhà ở TP. Buôn Ma Thuột) và Trung úy Đinh Ngọc Sang (ở huyện Krông Pắc). Chúng tôi chụp chung một kiểu ảnh bên cột mốc làm kỷ niệm. Đồng hương tặng chúng tôi hai cây bàng vuông, khiến cả đoàn ai cũng “ganh tị”.

Bức ảnh ảnh kỷ niệm cùng các đồng hương Đắk Lắk ở Trường Sa.

Chuyện mang hai cây bàng vuông về tới Đắk Lắk cũng không phải là việc dễ dàng. Ở trên tàu, cả đại biểu lẫn thủy thủ đều quan tâm chăm sóc cho hai cái cây nhỏ cao chừng gang tay, mỗi cây 4 lá trồng trong hai chiếc lon sữa bò, nào là đặt chỗ nào vừa kín gió mà vẫn đón được nắng, nào là dành chút nước ngọt quý hiếm tưới tắm mỗi ngày… Nhưng ở sân bay Tân Sơn Nhất là khó khăn nhất, quy định của hàng không là không được mang đất lên máy bay. Mặc dù tôi đã năn nỉ giải thích rất lâu đây là món quà quý từ tận Trường Sa, nhưng nhân viên sân bay vẫn nhất quyết bắt bỏ lại hai chiếc lon đất. Thế là chúng tôi chạy toát mồ hôi trong phòng làm thủ tục ở sân bay mới xin được một bịch nilon để chuyển hai cái cây ra.

Về đến TP. Buôn Ma Thuột, tôi nâng niu đưa một cây vào chậu đất lớn trong vườn nhà, với ý định sẽ mang tặng Trường THPT Chuyên Nguyễn Du khi cây đã bén rễ ổn định. Còn một cây đặt vào chiếc chậu nhỏ đưa chị Triệu Thị Ngoan để trồng trong sân Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm kỷ niệm chuyến đi. Rất tiếc, có lẽ do bị dỡ ra khỏi bầu lon để vào bao nilon một cách vội vã, cây bàng vuông trong vườn nhà tôi dù được chăm chút rất kỹ vẫn không sống nổi. Chỉ còn lại cây trồng trong sân khu trụ sở cũ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là vẫn vươn cao, rợp xanh tốt một góc sân, kiêu hãnh xòe những chiếc lá xanh to dưới nắng gió cao nguyên. Chỉ tiếc, chắc do không hợp đất nên 12 năm rồi cây chưa ra hoa, kết trái.

Bây giờ trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã được dời đi nơi khác. Địa chỉ này rồi đơn vị nào sẽ tiếp quản? Chị Triệu Thị Ngoan đã nghỉ hưu, biết còn ai nhớ đến việc cây bàng vuông Trường Sa vượt ngàn hải lý và vài trăm dặm đường để vẫn kiêu hãnh vươn mình trên đất cao nguyên! Mong lắm thay, cây bàng vuông - kỷ vật quý từ hải đảo tiền tiêu xa xôi của Tổ quốc sẽ được di dời đến một địa chỉ có ý nghĩa hơn, để tấm lòng những người con Đắk Lắk, các chiến sĩ Trường Sa gửi về quê hương Tây Nguyên vẫn sống mãi…

H’Linh Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.