Multimedia Đọc Báo in

Giám sát việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Krông Bông

20:00, 01/02/2023

Ngày 1/2, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân làm Trưởng đoàn đã tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Krông Bông.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88); Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 (Nghị quyết 51).

Buổi sáng, Đoàn thực hiện giám sát thực tế tại Trường Tiểu học Sơn Tây (xã Hòa Sơn); Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Krông Bông và Trường THPT Krông Bông (thị trấn Krông Kmar). Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3 (bậc tiểu học), lớp 6, lớp 7 (bậc THCS), lớp 10 (bậc THPT).

Các trường đã có sự chủ động nhất định trong việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội để đáp ứng căn bản việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông. Cụ thể là các trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường; kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục theo từng thời điểm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và ngành; chủ động tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông…

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Sơn Tây (xã Hòa Sơn)
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Sơn Tây (xã Hòa Sơn).

Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện. Báo cáo của UBND huyện Krông Bông đánh giá chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới của giáo dục; việc triển khai chương trình tại địa phương bảo đảm tính khả thi đối với học sinh và đội ngũ giáo viên; việc lựa chọn sách giáo khoa thực hiện theo quy định chung của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, giáo viên và học sinh đều có sự chủ động nhất định trong việc đổi mới phương pháp dạy và học; trường học chủ động đổi mới phương thức quản trị, tạo cơ chế thuận lợi cho việc triển khai chương trình đạt hiệu quả…

Bên cạnh những mặt tích cực thì quá trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn những hạn chế: tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng theo yêu cầu chương trình; thiết bị dạy học chưa bảo đảm yêu cầu chuẩn đề ra…

Tại các đơn vị giám sát, Đoàn đã ghi nhận những ý kiến, đề xuất liên quan: tăng cường nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, phòng chức năng và mua sắm thiết bị cho các trường học để bảo đảm lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; có chế độ đãi ngộ phù hợp với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên…

Trưởng đoàn Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Krông Bông
Trưởng đoàn Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Krông Bông.

Phát biểu ý kiến tại các đơn vị giám sát, Trưởng đoàn Lê Thị Thanh Xuân đánh giá cao công tác chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của huyện Krông Bông; qua đó góp phần bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trên toàn tỉnh. Những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của địa phương, Đoàn sẽ phân tích, đánh giá, tổng hợp xây dựng báo cáo gửi Quốc hội theo quy định.

Thanh Hường – Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.