Hoài niệm hồn quê...
“Về quê mà quê chẳng còn quê” là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Hội thảo văn hóa năm 2022 tổ chức tại Bắc Ninh mới đây.
Ông chia sẻ: “Làng quê trong cơn lốc đô thị hóa đã đổi thay chóng mặt khiến người xa quê lâu ngày chưa về bị choáng ngợp, cảm giác lạc lõng như không phải quê mình”.
Choáng ngợp là phải, vì theo ông, “Hàng rào cây xanh, những đường làng quanh co thênh thang, những miệt vườn xanh mướt, những ao làng, giếng làng làm mềm mại hồn quê… dần biến mất, chỉ còn những bê tông vô hồn. Người quê cũng chẳng còn chân chất, hiền lành, làng xóm chẳng còn "tắt lửa tối đèn có nhau" nữa”…
Quả là những lời rút ra từ gan ruột của vị bộ trưởng “đi ra từ nông thôn”, và cũng như bao người dân khác “đều có một vùng quê thương nhớ”.
Tôi cũng từ làng quê đi ra, cha mẹ tôi là nông dân chính hiệu. Dù đã có thời gian “nửa đời phiêu dạt” nhưng tình cảm đối với quê hương trong tôi không bao giờ phai nhạt.
Tôi cũng đã từng có cảm giác choáng ngợp trước sự thay đổi của làng quê nơi mình sinh ra và lớn lên: “Đường về thảm nhựa thênh thênh/Vắt ngang đồng lúa, ôm quanh xóm làng/Phố thôn nhà cửa rộn ràng/Con đê thành đại lộ làng đẹp sao”, để rồi ngỡ ngàng thốt lên: “Ôi, thời thơ ấu tìm sao được chừ?”.
Bởi làng quê thay đổi khiến cho những đứa con xa xứ mỗi lần về thăm cứ ngơ ngác nhìn: “Chẳng còn ngõ trúc quanh co/Đường bê tông chạy êm ro lối về/Chẳng còn bến nước, lũy tre/Mái hiên buông liếp, trưa hè nắng oi/Chẳng còn cái giậu mồng tơi/Khô cong chiếc áo ai phơi trên sào…”.
Ảnh minh họa: Internet |
Có lẽ đấy cũng là tâm trạng chung của những ai đã từng có một miền quê yêu dấu, một thời gắn bó với tuổi thơ từ hàng chục năm trước. Tâm trạng ấy, như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ, đó là “sự khủng hoảng, đứt gãy về văn hóa ở nông thôn hiện nay”.
Nông thôn phải phá bỏ sự trì trệ để phát triển, đó là quy luật tất yếu, là đòi hỏi của thời cuộc. Nhưng phát triển như thế nào để không “đứt gãy” về văn hóa ở nông thôn, đấy là điều rất đáng để quan tâm.
Những thành tựu đạt được trong công cuộc xây dựng nông thôn mới những năm gần đây thật đáng tự hào. Bộ mặt nông thôn Việt Nam thay đổi, chẳng còn nét lam lũ như cách đây vài ba chục năm.
Đời sống người dân về vật chất cũng như tinh thần được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Người nông dân không còn xa lạ với những thành tựu và sản phẩm của khoa học công nghệ hiện đại.
Nhưng, trong sự chuyển biến, thay đổi đó của nông thôn, không khó để nhận ra những điều vốn đã gắn bó máu thịt từ hàng trăm năm nay với người dân quê đang bị mai một hoặc mất đi vĩnh viễn. Khi không còn những giá trị tưởng như vô hình đó, làng quê dường như mang một sắc thái mới để rồi chúng ta phải thốt lên chua xót: Hồn quê đâu rồi?
Bàn về văn hóa Việt Nam không thể không nhắc đến văn hóa làng, là một bộ phận quan trọng làm nên bản sắc văn hóa Việt. Vì thế, xây dựng làng văn hóa hay xây dựng nông thôn mới không thể không quan tâm đến văn hóa làng truyền thống.
Trong 19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, chỉ có mỗi tiêu chí 16 nói đến văn hóa nhưng rất chung chung: “Tỷ lệ thôn, bản, ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định, có kế hoạch và thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới”.
Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “gia đình văn hóa”; “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, Mục 1. Điều 12. Khoản 2 cũng ghi rất khái quát: “d) Bảo tồn, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống của địa phương; đ) Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được giữ gìn, bảo vệ”.
“Bê tông hóa”, “đô thị hóa” đã làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi nhưng đồng thời cũng làm mất đi vẻ đẹp bình dị mộc mạc vốn có của làng quê Việt. Ngay cả tên đất, tên làng cũng bị thay thế bằng những chữ số vô hồn vô cảm như thôn 1, xóm 2…
Chúng ta bàn chuyện hộ chiếu văn hóa Việt Nam trong bối cảnh bộ mặt nông thôn đang biến động sâu sắc. Liệu “tấm hộ chiếu” đó có hội đủ những giá trị mạnh mẽ để đưa đất nước vững bước vào tương lai?
Nguyễn Duy Xuân
Ý kiến bạn đọc