Multimedia Đọc Báo in

Hồn quê!?

08:30, 25/05/2021

1. Ngày tôi xách ba lô lên đường và đến mưu sinh ở một vùng quê mới, ngôi làng nhỏ xứ Kinh Bắc nơi bờ nam sông Ðuống của tôi còn nhiều tre lắm.

Chẳng biết những lũy tre ấy có tự bao giờ, nhưng khi lớn lên tôi đã thấy chúng vương vít, quấn quýt với nhau tầng tầng lớp lớp, bền chặt như đã từ rất lâu rồi. Ký ức tôi ôm ấp khi nhớ về quê hương mình còn có những hàng rào, bờ giậu; người lớn coi đó là ranh giới để làm mốc giữa các nhà, các xóm; còn với đám trẻ con chúng tôi ngày ấy thì đó là cả thế giới diệu kỳ để làm nơi trú ẩn khi chơi trò ú tim, để tìm kiếm và bắt về những chú cánh cam, bọ đa mà chỉ cần có được vài chú là sẽ tha hồ lấy chỉ buộc lại, quay tròn cho chúng bay vù vù thỏa thích. Và cái mùi khói bếp nồng nồng, khen khét thì thật khó kiếm tìm được nơi chốn thị thành.

Ngày ấy nấu được bữa cơm có khi bị khói làm giàn giụa nước mắt, bực mình với bếp rơm, bếp củi lắm! Nhưng giờ sao thấy thương và nhớ khói thế! Tôi thường khoe với bạn bè rằng về quê mỗi sớm mai sẽ được thưởng thức bản hòa ca miễn phí mà không sân khấu nào có được. Ấy là tiếng gà gáy sáng, cũng là chiếc đồng hồ báo thức của tôi để dậy sớm ôn bài; của mẹ, của bố để tranh thủ ra đồng sớm cấy vài thước ruộng trong những ngày hè nắng như đổ lửa. Ngôi làng nhỏ của tôi được chở che bởi bờ đê chạy dài với man mác cỏ may vương bước ai về. Chiều chiều đám trẻ vừa chăn bò, vừa rủ nhau đá bóng trên sân cỏ mà chúng coi là thiên tạo có một không hai.

 

 Ảnh
Làng quê Việt Nam. Ảnh: Internet 

 

2. Mỗi lần trở về, những thứ mà tôi tự hào xem đó là “đặc sản” quê mình cứ ngày một thưa vắng dần. Lũy tre làng đã không còn bóng dáng. Từng bờ rào bờ giậu xưa cũ đã nhường chỗ cho những bức tường gạch, tường đá, nhà nào nhà ấy kín cổng cao tường. Nhìn mãi, đợi mãi để được thấy làn khói lam chiều tỏa lên từ bếp nhà ai nhưng khó mà có được khi chẳng còn mấy người đun bếp rơm, bếp củi. Con đê chạy dọc bờ sông Ðuống, cỏ may vẫn thế nhưng dường như thêm um tùm quá độ vì cây cỏ mọc dại. Cũng đúng thôi vì trước cả làng, nhà ai cũng nuôi bò làm sức kéo nên chăn thả nhiều. Giờ trâu bò chăn nuôi công nghiệp, chẳng có mấy nhà còn thả bò lên đê; lũ trẻ cũng có nhiều thú chơi khác nên hiếm khi tụ tập hò reo đá bóng như thuở nào. Con đê bởi đó mà nằm buồn, trống vắng với cỏ và cây dại. Chiếc ao đình cuối làng, nơi trước đây năm nào sau Tết là địa điểm tổ chức thi hát quan họ; các liền anh liền chị với nón quai thao, áo mớ bảy mớ ba, chiếc khăn mỏ quạ, duyên dáng, ý nhị trên những chiếc thuyền và cất lên những lời ca vang dền, nền, nảy... giờ cũng đã lấp đất, thu hẹp lại để làm một số công trình dân sinh.

3. Làng quê mình đổi thay, hiện đại lên từng ngày, lối sống nhiều gia đình tiệm cận dần với thành thị. “Giờ về nông thôn cũng khang trang, hiện đại lắm, xây dựng nông thôn mới gần như làng nào, thôn nào cũng na ná nhau!”, lời của anh bạn khiến tôi không biết nên vui hay buồn. Dường như đang có “cơn say” bê tông hóa, đô thị hóa ở nông thôn? Chẳng biết tôi có ích kỷ khi vẫn muốn giữ đôi điều xưa cũ làm “đặc sản” quê mình. Một suy nghĩ cứ gặm nhấm mãi trong tôi: Những nét đẹp dung dị chính là hồn quê, là thương hiệu của làng tôi cũng như nhiều miền quê vùng nông thôn Việt Nam này. Xây dựng nông thôn mới, đâu hẳn cứ phải làm mới theo nghĩa cơ học. Ví như tùy từng vùng miền, các ngôi nhà mang dáng dấp khác nhau được xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt của con người, tạo nên những cảnh sắc, biểu trưng đặc thù. Cây đa, bến nước, sân đình; bờ đê, lũy tre, mái ngói... chẳng phải bao đời đã là tên gọi, là dấu hiệu nhận diện đã ăn sâu trong tiềm thức về nông thôn vùng Bắc Bộ. Giữ được hồn cốt để tạo nét riêng, bản sắc riêng thì nông thôn mới sẽ thật sự mới trong diện mạo và cả tầng sâu văn hóa…

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.