Multimedia Đọc Báo in

Vui xuân, đừng "quá đà"!

06:07, 04/02/2023

Vui xuân, đón Tết với những hoạt động vui chơi, sum họp, gặp mặt, chúc nhau những điều tốt đẹp là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng. Tuy nhiên cần tránh sự "quá đà" trong hoạt động vui xuân làm ảnh hưởng đến nét đẹp này.

Nhập viện vì ... rượu

Ly rượu mừng xuân gắn liền với những cuộc chúc Tết, nên không phải ai cũng có thể phân định rạch ròi giữa vui xuân và quá chén, giữa chúc tụng với ép nhau uống đến mất tỉnh táo. Dường như những quy định về nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông chưa đủ sức điều chỉnh được hành vi chúc tụng với đồ uống có cồn trong dịp Tết.

Khách du xuân tại Bảo tàng Thế giới cà phê. Ảnh: M. Sao

Đi làm xa cả năm, chỉ về được dịp Tết, sau buổi họp mặt bạn bè vào ngày mùng 5, anh Phạm Văn T. (TP. Buôn Ma Thuột) điều khiển xe máy về nhà khi trời đã nhá nhem. Một phần do đã uống khá nhiều rượu cộng thêm không nhìn rõ đường, anh T. tự sập ổ gà ngã ra đường bất tỉnh.

Khi tỉnh dậy, anh T. vẫn chưa hết bàng hoàng: "Cũng vì không thể từ chối chén rượu đầu xuân mà tôi vừa bị ảnh hưởng sức khỏe, lại làm mất niềm vui trọn vẹn của gia đình. Cũng may được mọi người phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu chứ không thì giờ tôi không biết số phận mình ra sao nữa...".

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ 20 - 26/1, tức từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người và 111 người bị thương. Trong số 21.990 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện và xử lý, có 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm hơn 35%).

Tết là để... tiếp thêm năng lượng

Sau những ngày nghỉ Tết, Đắk Lắk có đến hàng chục lễ, hội của các dân tộc, nằm rải các huyện, thị xã, thành phố, được tổ chức vào tháng Giêng. Vì thế, làm sao để cân bằng giữa làm việc và vui lễ hội rất cần được lưu tâm.

Có thể nói, mỗi lễ hội mang một màu sắc văn hóa khác nhau và đáng trân trọng, có ý nghĩa đặc biệt với chủ nhân lễ hội cũng như cộng đồng. Đơn cử như lễ Hạ cây nêu (hay còn gọi là Lễ khai hạ) của người Mường ở các địa phương như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Ana, Krông Bông…

Theo ông Bùi Hoàng Thắng (ở Đình làng Cao Thắng, xã Ea Kao), người Mường đi đâu cũng giữ hồn cốt phong tục tập quán của dân tộc mình, dù chỉ một gia đình hay cả một tập thể.

Lễ Khai hạ được tổ chức thường niên vào đầu tháng Giêng, để cầu mong một vụ mùa bội thu, mưa thuận gió hòa, nước vào đầy ruộng, mọi vật sinh sôi, người người khỏe mạnh, xóm làng bình yên no ấm...

Đáng chú ý là nghi thức cuốc đất đầu năm như một cách để bắt đầu năm mới với những công việc mới, tốt lành, hanh thông; cho dù sau này con cháu không theo nghề nông, làm những ngành nghề khác thì cũng đều mang ý nghĩa này. Chính vì vậy mà con cháu, người dân luôn tề tựu đông đủ vào Lễ Khai hạ.

Hay như Lễ hội đua thuyền nam truyền thống ở huyện Krông Ana là nét đẹp văn hóa truyền thống, niềm tự hào của người dân địa phương để giao lưu, cầu mong cho nhân dân được bình an, mùa màng tươi tốt. Không chỉ vậy, đây còn là cơ hội rèn luyện sức khỏe, mang đến những niềm vui và hy vọng mới cho cuộc sống...

Nét đẹp truyền thống tại Lễ khai hạ (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: M.Sao

Mỗi một lễ hội hay hoạt động trong chương trình du xuân dù hình thức, nội dung khác nhau, nhưng có ý nghĩa chung là bắt đầu một năm mới với ước vọng nhiều thành công; đó cũng như lời nhắc nhở với bản thân, gia đình rằng, vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ, vẫn tiếp tục với những công việc, làm nên những điều hữu ích cho đời.

Thậm chí những người chọn du xuân, tham gia lễ hội, nếu đã có dự định, kế hoạch cho bản thân, thì vui chơi chính là liều thuốc bổ cho tinh thần, để thêm năng lượng làm việc hiệu quả hơn.

Ông Hoàng Hải (huyện Cư Kuin) cho biết, hầu như năm nào ông cũng tham dự một vài lễ hội trên địa bàn tỉnh, mỗi một lễ hội có ý nghĩa và nét độc đáo riêng. “Đến với lễ hội là thưởng thức nét đẹp văn hóa, tìm kiếm những điều tốt đẹp, tạo tinh thần động lực cho năm mới. Bởi lễ chính chỉ diễn ra một ngày, mình hoàn toàn có thể sắp xếp công việc để tham gia”, ông Hải bày tỏ.

Còn chị Mỹ Kim (huyện Cư M’gar) tâm sự: “Với tôi, dịp Tết bận rộn với nhà cửa, khách khứa thì tham gia một vài lễ hội dịp xuân chính là thời gian tu dưỡng, tái tạo để chuẩn bị cho một khởi đầu mới nhiều thành công rực rỡ hơn trước. Đi du xuân về thấy tinh thần phấn chấn, làm việc năng suất hơn”.

Có thể thấy, để có thể vui chơi nhưng không làm ảnh hưởng đến công việc không phụ thuộc vào việc có nhiều lễ hội hay chương trình du xuân, mà phụ thuộc vào tâm lý và cách ứng xử của mỗi cá nhân.

Mỗi người nếu biết tự sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học sẽ có thể cân bằng để vừa có thể du xuân, hưởng thụ nhu cầu tâm linh, văn hóa, truyền thống, vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc của bản thân và gia đình.

Khánh Như - Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.