Multimedia Đọc Báo in

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến xã hội về Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

17:19, 22/03/2023

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để lấy ý kiến xã hội. 

Dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có 6 trang gồm 5 mục chính là: căn cứ chính trị và pháp lý; cơ sở thực tiễn; nguyên tắc xây dựng phương án; nội dung cơ bản của phương án; đánh giá tác động của phương án.

Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá đúng kết quả học tập, rèn luyện theo mục tiêu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. 

Giai đoạn từ năm 2025 – 2030: giữ ổn định phương thức thi trên giấy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện. 

Giai đoạn sau năm 2030: phấn đấu đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm. 

Về môn thi, tổ chức thi theo môn gồm các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn trong số 4 môn học đã chọn học; thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) thi 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) và 2 môn lựa chọn trong 4 môn học đã chọn học.

Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Buổi học
Buổi học chính khoá của học sinh khối 10, Trường THPT Tràn Đại Nghĩa (huyện Buôn Đôn)

Bộ GD-ĐT quy định khung thời gian tổ chức thi chung, phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước; đồng thời, có sự linh hoạt, ứng phó với các tình huống ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trong phạm vi toàn quốc và từng địa phương.

Ngân hàng câu hỏi thi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực. Bộ GD-ĐT chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 17 môn: Toán học, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1 (gồm 7 ngoại ngữ khác nhau), Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học; trong đó có 3 môn (Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học) lần đầu tiên được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.

Bản dự thảo cũng nêu rõ, năm 2024 mới có sách giáo khoa lớp 12 với nhiều bộ sách khác nhau nên công tác chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi sẽ gặp áp lực về thời gian. Bộ cũng cần phải huy động nguồn lực lớn để ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi, phục vụ công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Được biết, năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các cấp học, khối lớp trong hệ thống giáo dục phổ thông. Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thi tốt tốt nghiệp THPT. 

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc