Multimedia Đọc Báo in

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Trường Đại học Tây Nguyên

15:07, 23/03/2023

Sáng 23/3, Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Trường Đại học Tây Nguyên.

Đi cùng đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh, cùng đại diện các đơn vị hữu quan.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Đoàn đã nghe đại diện lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của trường. Được thành lập năm 1977, hiện trường có  28 đơn vị thuộc và trực thuộc, đội ngũ cán bộ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa, nâng cao trình độ. 

Trường đang đào tạo 35 ngành đại học, 12 ngành cao học và Bác sỹ chuyên khoa I; 5 ngành tiến sĩ … Kết quả học tập của sinh viên chính quy qua các năm học ngày càng được nâng cao; kết quả tốt nghiệp đại học đúng niên hạn được cải thiện; tỷ lệ sinh viên có việc làm trong năm đầu tiên ngày càng tăng.

Công tác nghiên cứu khoa học được trường quan tâm. Trong 3 năm gần đây, trường thực hiện 317 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ khoảng 81 tỷ đồng. Toàn trường đã công bố 948 bài báo về kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước. 

Bên cạnh đó, trường cũng đang gặp khó khăn trong lộ trình tự chủ, tuyển sinh, đào tạo và giữ nhân lực… Nhà trường kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép trường mở ngành đào tạo tiếng dân tộc thiểu số; tăng số lượng đề tài và kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học; tăng cường nguồn lực đầu tư và cơ sở vật chất cho khối ngành nông nghiệp, công nghệ thông tin và Bệnh viện trường…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại buổi làm việc
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Minh Tấn mong Bộ GD-ĐT tạo điều kiện để trường mở thêm ngành về tiếng dân tộc thiểu số bởi thực tế người dân tộc thiểu số tại địa phương biết nói tiếng dân tộc mình nhưng không biết viết chữ; việc mở ngành này cũng sẽ giúp cán bộ các cấp có cơ hội học hỏi để phục vụ người dân tốt hơn... Tỉnh sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ theo khả năng có thể để Trường Đại học Tây Nguyên tiếp tục phát triển thành trung tâm đào tạo nhân lực vùng Tây Nguyên và của cả nước.

Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong chiến lược tương lai, Trường Đại học Tây Nguyên cần phải trở thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực phục vụ việc đào tạo, nghiên cứu khoa học; đóng góp nguồn nhân lực quan trọng, trở thành động lực phát triển vùng Tây Nguyên; phục vụ cho việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, lưu ý 2 nhóm theo nhu cầu của địa phương: nhóm phát triển công nghệ, kỹ thuật (phục vụ phát triển nông nghiệp), nhóm khoa học xã hội và nhân văn (phát triển xã hội).

Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trò chuyện với học sinh Trường THPT Thực hành Cao Nguyên

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã đến thăm một số đơn vị trực thuộcTrường Đại học Tây Nguyên: Trường THPT Thực hành Cao Nguyên; Viện Công nghệ sinh học và Môi trường; Bệnh viện Đại học Tây Nguyên.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.