Chuyển đổi số trong thanh niên vùng nông thôn: Vẫn còn nhiều rào cản
Chuyển đổi số là xu hướng của toàn xã hội, trong đó người trẻ có vai trò rất quan trọng bởi sự năng động, sáng tạo, có trình độ và khả năng thích ứng cao. Cùng với thanh niên trên địa bàn tỉnh, thanh niên khu vực nông thôn cũng tập trung đẩy mạnh ứng dụng số trong cuộc sống, công việc, tổ chức các phong trào, hoạt động Đoàn - Hội - Đội.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai chuyển đổi số trong công tác thanh niên vẫn còn chậm và chưa đồng bộ, nhất là ở khu vực nông thôn. Nguyên nhân do cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa tương đồng; một bộ phận đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) còn hạn chế về nhận thức, trình độ nên ngại thay đổi, ngại tìm tòi, học hỏi, ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, điều kiện và cơ hội tiếp cận, trải nghiệm, thực hành chuyển đổi số của thanh niên nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế.
Đoàn viên thanh niên Công an thị xã Buôn Hồ hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại di động. |
Tại xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ), với nhiều thanh niên, khái niệm chuyển đổi số vẫn còn rất mơ hồ, thậm chí cho rằng đó là một việc làm quá sức khi mình không đi đâu xa khỏi buôn làng, mà không biết rằng chuyển đổi số có thể chỉ đơn giản là mua, bán hàng qua mạng xã hội; sử dụng tài khoản thanh toán điện tử hay thực hiện một số thủ tục hành chính qua hệ thống dịch vụ công… Với đặc thù là xã có trên 75% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức của người dân nói chung, thanh niên nói riêng còn hạn chế nên việc ứng dụng các nền tảng số là một thách thức lớn; đó là chưa nói đến hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư, thiếu thốn đủ bề. Anh Vi Kiều Hưng, Bí thư Đoàn xã Ea Drông chia sẻ: “Hiện nay, việc ứng dụng chuyển đổi số trong ĐVTN trên địa bàn xã chủ yếu mới dừng lại ở việc sử dụng điện thoại thông minh để lướt mạng xã hội hay kết nối, trao đổi thông tin với nhau; số ít dùng để mua, bán hàng online. Riêng việc sử dụng, cài đặt các ứng dụng như dịch vụ công, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hầu như không được quan tâm; cả việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển kinh tế cũng hầu như không có”. Trong khi đó, UBND xã Ea Drông cũng đã thành lập Tổ hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng tại tất cả các thôn, buôn trên địa bàn nhằm hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số.
Trên thực tế, quá trình thực hiện những nội dung chuyển đổi số mà các cấp bộ Đoàn triển khai cho ĐVTN như: tham gia các cuộc thi trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội; sử dụng các ứng dụng, phần mềm có ích cho ĐVTN như ứng dụng Thanh niên Việt Nam, các ứng dụng học Tiếng Anh, ứng dụng tìm việc làm, các sàn thương mại điện tử; hình thành, quản lý những nhóm, kênh truyền thông trên mạng xã hội; cập nhật dữ liệu đoàn viên trên Phần mềm nghiệp vụ Quản lý đoàn viên do Trung ương Đoàn triển khai… còn rất nhiều trở ngại. Đơn cử như với ứng dụng cập nhật dữ liệu đoàn viên trên Phần mềm nghiệp vụ Quản lý đoàn viên dường như phần lớn đoàn viên không thực hiện được do lỗi hệ thống.
Cán bộ trẻ xã Ea Drông hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính. |
Thực tế cho thấy, câu chuyện chuyển đổi số trong thanh niên vùng nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều rào cản khi đời sống kinh tế còn khó khăn và trình độ, nhận thức còn hạn chế; mô hình sản xuất của thanh niên chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị nên việc ứng dụng công nghệ số càng khó thực hiện hơn. Bên cạnh đó, ở nhiều khu vực thôn, buôn chưa được phủ sóng di động hay hệ thống điện... đã tạo ra khoảng cách trong chuyển đổi số giữa thành thị và vùng nông thôn.
“Thực tế việc chuyển đổi số không phải cứ mua sắm một số máy tính, phần mềm là xong mà yếu tố quan trọng là con người, công nghệ chỉ là một phần. Trên thực tế, nhiều thành viên trong các Tổ hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng, trong đó có thanh niên vẫn chưa hiểu được phải hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số như thế nào, bởi chính họ cũng chưa được tập huấn, chưa được đào tạo, không am hiểu về vấn đề này”, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Drông Y Manh Mlô bộc bạch.
Với chủ đề năm 2023 "Chuyển đổi số trong công tác Đoàn thanh niên”, để mỗi cán bộ Đoàn, đoàn viên là công dân số thực thụ trước hết họ cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, thay đổi từ tư duy đến hành động.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc