Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục STEM: Lựa chọn hình thức phù hợp với thực tế

08:12, 02/03/2023

Là tỉnh được Bộ GD-ĐT lựa chọn đại diện khu vực Tây Nguyên tham gia thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học, ngành giáo dục Đắk Lắk đã triển khai tại 10 trường học ở 5 địa phương trên toàn tỉnh, tạo môi trường học tập thú vị, đa chiều cho học sinh. Tuy nhiên, để giáo dục STEM phát huy hiệu quả, cần phải lựa chọn hình thức phù hợp với thực tế.

Sản phẩm  STEM cần vừa sức học sinh

Tại Ngày hội STEM được Sở GD-ĐT tổ chức trung tuần tháng 2 vừa qua, đã có 12 gian hàng của 12 cơ sở giáo dục (10 trường thí điểm, 2 trường ngoài công lập đã triển khai giáo dục STEM) tham gia với trên 300 sản phẩm. Đây là những sản phẩm kết quả của bài học STEM và các hoạt động trải nghiệm liên quan do các cơ sở giáo dục thực hiện. Các cơ sở giáo dục đã đầu tư trang trí gian hàng đẹp, thể hiện được nét riêng của mỗi trường, mỗi địa phương; nhiều sản phẩm có tính sáng tạo, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn; số lượng sản phẩm của mỗi trường đa dạng về chủng loại, nội dung; có học sinh thuyết minh, giới thiệu sản phẩm...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban tổ chức thì một số sản phẩm quá sức so với học sinh tiểu học nên phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên nhằm giúp các em hoàn thành sản phẩm; biết cách vận dụng kiến thức nào trong chương trình học, giải quyết vấn đề gì trong học tập và thực tiễn…

Học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (Krông Ana) tham gia hoạt đông trải nghiệm STEM cấp trường.

Giáo dục STEM dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học (science), công nghệ (technology), kỹ thuật (engineering), toán học (mathematics) theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Có ba hình thức phổ biến của giáo dục STEM là: dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

Tìm hình thức tổ chức phù hợp

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar) là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc thực hiện giáo dục STEM. Nhà trường đã triển khai giáo dục STEM gắn với việc tạo ra các sản phẩm cụ thể để trưng bày tại Ngày hội STEM từ các vật liệu dễ tìm kiếm hoặc nguyên liệu tái chế. Nổi bật là sản phẩm đàn nước từ ly uống nước: mỗi ly có kích thước riêng; chứa đầy nước với màu sắc khác nhau (học sinh nhận diện về màu sắc); khi gõ vào ly sẽ cho ra âm thanh khác nhau... Ngoài ra, một số sản phẩm khác cũng khá thông dụng như chậu hoa từ quả dừa, bộ gõ…

Học sinh thuyết trình sản phẩm "máy lọc nước" tại Ngày hội STEM do Sở GD-ĐT tổ chức.

Em Lê Nguyễn Bảo Quyên, lớp 5A, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo bộc bạch: “Mỗi nhóm có nhiệm vụ làm một sản phẩm dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Trong quá trình làm, cô luôn nhắc nhở không được cãi nhau mà phải làm nhiệm vụ theo sự phân công của cô. Nhờ đó, ngoài rèn luyện sự khéo léo của đôi tay khi cắt giấy, dán giấy, hay tưới cây thường xuyên… thì chúng em còn học được cách xử lý các tình huống mâu thuẫn để đoàn kết hơn”.

Mô hình thí điểm giáo dục STEM được triển khai tại 10 trường tiểu học thuộc các huyện Krông Năng, Ea Kar, Ea H’leo, Krông Ana, thị xã Buôn Hồ với tổng số 228 lớp.

Tương tự, Trường Tiểu học Quang Trung (thị xã Buôn Hồ) cũng lựa chọn hình thức dạy học STEM với các sản phẩm cụ thể. Ông Nguyễn Văn Toàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ bột gạo có nhuộm màu thực phẩm, các em đã tự tạo ra nhiều sản phẩm tò he khác nhau mô phỏng từng loài, kích thước phù hợp… qua đó có thể học các bài học về loài vật. Còn cây tư duy đa năng có thể sử dụng cho tất cả các môn học, các bài học rất thiết thực: đó có thể là cây gia đình (mỗi quả trên cây ghi tên một thành viên trong gia đình), cây từ đồng nghĩa (mỗi quả trên cây chứa một từ ngữ khác nhau nhưng cùng có nghĩa tương đồng)....

Ông Nguyễn Văn Chiêu, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học – Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) phân tích, để giáo dục STEM đạt hiệu quả thì các trường cần lựa chọn những bài học phù hợp điều kiện kinh tế địa phương, có thể phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức ngoài trường học để học sinh được tham quan, trải nghiệm thực tế.

Về lâu dài, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian tới Sở tiếp tục tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để hiểu rõ về giáo dục STEM; tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu các chủ đề bài học STEM nhằm làm phong phú tư liệu dạy học cho giáo viên… Các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp như: bài học STEM, hoạt động trải nghiệm STEM (hoạt động câu lạc bộ STEM, ngày hội STEM), nghiên cứu khoa học nhằm tạo cơ hội cho học sinh tích hợp kiến thức, kỹ năng ở các môn học đặc thù cho giáo dục STEM; từ đó vận dụng kiến thức, kỹ năng có được này để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong từng chủ đề. Nhờ vậy, học sinh có cơ hội trải nghiệm, khám phá thực tế cuộc sống, có những hiểu biết ban đầu về một số nghề nghiệp quen thuộc liên quan đến lĩnh vực STEM. Khi tham gia học tập trong các hoạt động giáo dục STEM, học sinh sẽ có cơ hội hình thành và phát triển các năng lực chung là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.