Multimedia Đọc Báo in

Học sinh bỏ học – nỗi lo chưa dứt (Kỳ 2)

14:25, 22/03/2023

Kỳ 2: Gian nan “giữ chân” học trò

Bằng tình yêu thương học sinh và trách nhiệm với nghề, các thầy giáo, cô giáo đã xuống tận thôn buôn, bám từng gia đình để trò chuyện, nắm bắt tâm tư hoàn cảnh, từ đó có cách vận động từng em quay lại lớp với mong muốn chặn dòng học sinh bỏ học.

Kiên trì bám sát học trò

Giữa trưa nắng tháng ba, theo chân cô Trịnh Thị Hiệp, giáo viên chủ nhiệm lớp 7D, Trường THCS Ea Yiêng (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) đến nhà cậu học trò tên Phi mới thấu hiểu được những nhọc nhằn, vất vả và hơn cả là sự kiên trì của giáo viên vùng sâu. Trong ngôi nhà ván lụp xụp, ẩm thấp, ông bà ngoại của Phi cho biết em đang đi chăn bò nên không có ở nhà. Nhà Phi có hai chị em, người chị bị khuyết tật nặng phải ngồi xe lăn; bố mẹ Phi đã ly dị, mẹ đi làm công nhân may tận Đồng Nai nên ông bà là người chăm sóc cho hai chị em. Khi cô giáo tìm đến nhà thì ông bà mới biết cháu mình nghỉ học đã mấy hôm. Những lần trước, sau khi trao đổi với cô giáo, ông bà cũng đã khuyên bảo cháu đi học nhưng đến nay Phi vẫn chưa trở lại trường.

Một buổi học của cô trò Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Krông Bông).

Cô Hiệp kể rằng, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, thỉnh thoảng Phi có nghỉ học một vài buổi, khoảng một tuần nay thì nghỉ hẳn, cũng từng đó thời gian cô Hiệp năm lần bảy lượt đến nhà để gặp ông bà em, gọi điện cho mẹ em để trò chuyện, vận động em đi học. Có hôm, khi thấy cô đến nhà, Phi đã bỏ chạy sang nhà hàng xóm để tránh mặt, cô Hiệp liền bám theo nhưng em lại tiếp tục chạy trốn chỗ khác. Cứ thế, trò chạy – cô đuổi giữa cái nắng gắt nhưng cô Hiệp vẫn kiên trì với mong muốn Phi trở lại trường học.

Trước đó, khi thấy em Đô Rát hay nghỉ học mà không xin phép, cô Hiệp đã tìm đến gia đình để gặp phụ huynh thì được trả lời là thấy hằng ngày con mình vẫn đi học chứ không ở nhà. Trước tình hình đó, cô Hiệp phải tuyên truyền, giải thích để bố mẹ em quan tâm đến con, đến việc học của con mình. Những ngày sau, khi nào em không đến lớp, cô lập tức gọi điện cho bố mẹ em để quản lý sát sao hơn. Cứ vậy, sau nhiều lần cô đi đi về về để gặp gỡ, chuyện trò với em và gia đình thì Đô Rát mới tiếp tục trở lại trường.

 
Do nhận thức của phụ huynh còn hạn chế nên khi vận động, thuyết phục, bên cạnh việc khéo léo nói cho họ hiểu tầm quan trọng của việc học đối với tương lai các em, giáo viên còn ân cần hỏi han, giúp đỡ thiết thực; nếu thiếu sách vở, bút, quần áo… thì thầy cô sẽ mua với mong muốn giúp các em tiếp tục đi học”
 
Cô Trịnh Thị Hiệp chia sẻ

Được biết, trong học kỳ I vừa qua, lớp cô Hiệp chủ nhiệm có hai học sinh bỏ học, cô đã vận động được một em trở lại trường. Hiện tại, một số học sinh đang có dấu hiệu bỏ học nên ngày nào cô Hiệp cũng phải tranh thủ đến nhà trò chuyện, vận động các em đi học. Ông Eang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ea Yiêng cho biết: “Chỉ cần một đến hai buổi học sinh vắng học không lý do thì sau giờ học ngày hôm đó, giáo viên sẽ đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em cũng như lý do vì sao không đến trường nhằm kịp thời động viên các em quay trở lại tiếp tục học tập. Nếu giáo viên không vận động được, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ vào cuộc cùng giáo viên chủ nhiệm đến nhà tiếp tục vận động”.

Cô – trò cùng vận động

Cùng với sự tận tâm, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, để vận động học sinh quay trở lại học, các trường đã phát huy vai trò của Ban Giám hiệu, thầy cô giáo bộ môn, tổ chức đoàn thể và cả các bạn cùng lớp.

Cô Hà Thị Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2, Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) chia sẻ, học kỳ I vừa qua, lớp cô chủ nhiệm có học sinh A.H. bỏ học, nguyên nhân không phải vì học yếu hay kinh tế gia đình khó khăn mà chỉ vì sự chán nản, không muốn đi học. Sau khi nắm tình hình gia đình cũng như trao đổi với phụ huynh và em A.H., cô Thu cùng các bạn lớp 12A2 cùng nhau đến nhà thăm A.H., cô đã dành không gian cho các bạn trong lớp trò chuyện, tâm sự với bạn. Sau khi nhận được sự sẻ chia của bạn bè, thấu hiểu tầm quan trọng của việc học, hôm sau A.H. đã trở lại trường. “Việc vận động học sinh bỏ học quay trở lại trường được thực hiện linh hoạt tùy từng trường hợp. Có thể là đến gia đình gặp trực tiếp, có thể trao đổi qua mạng xã hội, qua bạn bè của các em... Đặc biệt là cách thức để học sinh tự tâm sự với nhau đôi khi sẽ giải tỏa được các khúc mắc, những điều mà các em khó có thể chia sẻ với thầy cô; đồng thời, xây dựng được tình bạn đẹp, tập thể lớp đoàn kết” - cô Thu chia sẻ.

Cô Trịnh Thị Hiệp (bìa trái), giáo viên Trường THCS Ea Yiêng trò chuyện với ông bà của Phi để vận động em tới trường.

Ở Trường THPT Trần Hưng Đạo còn có một trường hợp khác là em T.T.T.V., học sinh lớp 10, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán 2023 đã nhắn tin chia tay cô giáo chủ nhiệm để bỏ học vì sức học yếu. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân và khuyên bảo em, cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong lớp đã tìm đến nhà V. để động viên em tiếp tục đi học. Nghỉ Tết xong, sau khi suy nghĩ lại và nghe lời khuyên của cô giáo, V. đã quay trở lại trường học và được thầy cô, bạn bè giúp đỡ nhiệt tình. Giáo viên chủ nhiệm và các bạn học khá trong lớp đã thường xuyên hỗ trợ, giảng bài thêm để V. nắm bài, có hứng thú hơn trong học tập.

Thầy Nguyễn Quang Ngọc, Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Hưng Đạo chia sẻ, nếu như những năm học trước tỷ lệ học sinh bỏ học của trường chiếm từ 6 - 8% thì năm học 2022 - 2023 đã giảm xuống còn 2,2% (7 học sinh); số học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ học cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao. Có được kết quả này, ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh về việc học hành thì nhà trường cũng không tạo áp lực học tập lên các em. Thay vào đó là đa dạng hóa các hoạt động ngoại khóa, tạo sự hứng khởi cho các em khi đến trường với các hoạt động tiêu biểu như: phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; hướng tới thành lập câu lạc bộ chống tảo hôn, kết hôn sớm; tổ chức trò chơi "rung chuông vàng" về các chủ đề tình yêu tình bạn, tìm hiểu pháp luật… Ngoài ra, trường còn thành lập Ban phòng, chống học sinh bỏ học để kịp thời tuyên truyền, vận động học sinh khi phát hiện các em có dấu hiệu bỏ học.

(Còn nữa)

Kỳ 3: Cần sự vào cuộc của cả “ba nhà”

Thúy Hồng - Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.