Multimedia Đọc Báo in

Mở trang mới cuộc đời từ con chữ

08:10, 20/03/2023

Với những người không biết chữ ở khu vực biên giới, đặc biệt là người lớn tuổi thì biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính toán đơn giản là điều lớn lao trong cuộc đời. Mở “cánh cửa” tri thức ấy dẫu nhọc nhằn, nhưng đong đầy niềm vui với nhiều người dân nơi miền biên nắng gió.

Đi học ở tuổi làm mẹ, làm bà

Chậm rãi nắn nót từng chữ, làm các phép tính đơn giản, đó là cách mà bà Lang Thị Ứng (50 tuổi, dân tộc Thái, xã Ia Lốp) vẫn thường luyện tập để bản thân không quên đi con chữ được bộ đội biên phòng dạy từ 6 năm về trước.

Bà kể rằng, sinh ra trong gia đình bần nông, tuổi thơ của 7 chị em bà ở huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) rất cơ cực, không ai được đến lớp. Gần nửa cuộc đời không biết chữ, ngày ngày, bà phải đối diện với nỗi tự ti, buồn khổ trong lòng. Mọi chuyện cơm, áo, gạo tiền, lo cho con cái học tập…, hễ liên quan đến tính toán, hay cái chữ, bà đều phải nhờ chồng hoặc người khác đọc giúp. Loanh quanh trong nhà đã bí bách, nhưng khi ra ngoại tỉnh, việc không biết đọc, biết viết càng khiến bà như người mất phương hướng. Có lần, xuống khám bệnh ở TP. Hồ Chí Minh, do không biết đọc nên khi đi lạc, bà không biết mình đang ở phòng nào, vị trí nào, cứ loay hoay tìm đường về mãi...

Thấm thía tận cùng sự khó nhọc của việc không biết chữ, nên thời gian bộ đội biên phòng mở lớp xóa mù, bà không bỏ sót buổi nào. Ngày chăm chỉ làm thuê, tối tối lại đến lớp. Cứ thế, người phụ nữ ấy trở thành một trong những “học trò” tiêu biểu của khóa học. Bà tâm tình: “43 tuổi mới biết chữ, nên tôi càng phải lo học hơn. Bây giờ, tôi tự tin nhận giấy họp phụ huynh, đọc chữ trên thiệp cưới, khi ra chợ mua hàng cũng không lo bị người ta cân thiếu hay lừa gạt”.

Thầy giáo quân hàm xanh hướng dẫn người dân xã biên giới Ia Lốp (huyện Ea Súp) học chữ.

Cùng cảnh không biết chữ, chị Lang Thị Sách (dân tộc Thái, 46 tuổi, xã Ia Lốp) từng rất tự ti trước mọi người. Chị sinh ra trong gia đình có 5 chị em, bố mẹ đau yếu, bệnh tật, nên ai cũng bỏ học từ nhỏ. “Tuổi thơ khó khăn bủa vây, các chị em không đủ ăn nên chẳng dám nghĩ gì về học. Khi lớn lên, lập gia đình mới thấy giá trị của cái chữ cần thiết như thế nào. Ngay cả giấy tờ quan trọng của gia đình, của bản thân, tôi chỉ biết điểm chỉ. Buồn tủi lắm! Vậy nên, tôi quyết định bỏ hết tự ti, ngại ngùng để tham gia lớp xóa mù chữ của bộ đội” – chị Lang Thị Sách kể.

Theo Thiếu tá Hoàng Ngọc Ân, cán bộ biên phòng tăng cường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Lốp (huyện Ea Súp), Ia Lốp là xã biên giới đặc biệt khó khăn với gần 70% là hộ nghèo. Địa phương có tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ rất cao, riêng độ tuổi từ 15 – 60 tuổi đã có 420 người. Vì vậy, việc triển khai các lớp xóa mù chữ thực sự đã tạo đà cho người dân tiếp cận tốt hơn mọi mặt kinh tế, xã hội.

Có con chữ, cuộc đời đổi thay

Nở nụ cười tươi khi nói về thành quả sau 6 năm tham gia lớp học, chị Lang Thị Sách khoe đã biết đọc viết thành thạo, làm những phép tính đơn giản. Nhờ mở mang kiến thức, việc tính toán chi tiêu, làm ăn trong gia đình chị linh hoạt, hiệu quả hơn. Chị còn biết lập và sử dụng các ứng dụng Zalo, Facebook để liên lạc, nhắn tin cho mọi người. Gần 40 tuổi, cuộc đời thấm đẫm mồ hôi, nước mắt mới tìm được cái chữ, nên chị luôn nhắc nhở con, dù khổ cực thế nào, cũng phải ráng ăn học đến nơi đến chốn...

Bà Lang Thị Ứng (bên phải) và chị Lang Thị Sách viết chữ thành thạo sau 6 năm học lớp xoá mù.
 

Có con chữ, bà con tiếp nhận thông tin tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh hơn. Các khâu tiếp thu kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội, hay sử dụng thiết bị khoa học, kỹ thuật cũng trở nên dễ dàng”.

 
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Con chữ kết nối lương duyên là cách các thầy giáo quân hàm xanh vẫn hay nói về hai học trò của mình ở xã Ia Lốp. Anh Hà Văn Nâng (thôn Chiềng) và chị Lang Thị Hương (ở thôn Đai Thôn) quen nhau qua lớp xóa mù chữ vào năm 2017. Từ chỗ hỗ trợ nhau học tập, anh chị dần đồng cảm, yêu thương, rồi đi đến hôn nhân. Hiện nay, cả hai vẫn luôn nỗ lực vun đắp cho tổ ấm của mình.

Thay đổi tư duy từ lớp xóa mù chữ, chị Hà Thị Hiền (thôn Đừng Nhạp, xã Ia Lốp) đã mạnh dạn làm ăn, tích góp được kha khá tiền để xây dựng căn nhà khang trang. Còn với chị Vi Thị Thương cũng ở thôn Đừng Nhạp, từ chỗ buôn bán manh mún ít rau củ quả, nay đã đầu tư quán tạp hóa lớn nhất trong vùng...

Từ năm 2012 đến nay, có 225 người dân trên địa bàn các xã biên giới được tham gia các lớp xóa mù chữ do bộ đội biên phòng phối hợp tổ chức. Có con chữ, nhiều cuộc đời được đổi thay.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk tâm tình, các học viên tham gia lớp xóa mù chữ trên địa bàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) vào năm 2015 cũng có những chuyển biến rất đáng ghi nhận. Biết chữ đã hỗ trợ bà con rất nhiều trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Còn Thượng úy Phùng Văn Hai, nhân viên Trinh sát (Đồn Biên phòng Ea H’leo thì chia sẻ: “Năm 2017, khi đơn vị phối hợp mở lớp, có 6 anh em tham gia giảng dạy. Đứng trước những người đáng tuổi ông, tuổi bố mình, ban đầu bộ đội rất ngại, nhưng quá trình tiếp xúc nhiều, vì thân thiết, tình cảm mà trở nên cởi mở, gần gũi hơn. Rất vui mừng là 6 năm sau, đa phần học viên vẫn đọc tốt, viết tốt, biết làm phép tính đơn giản”.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.