Multimedia Đọc Báo in

Vững tâm thế và khát vọng phát triển

08:15, 08/03/2023

Thời gian qua, các tầng lớp phụ nữ ở Đắk Lắk đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, từng bước xây dựng hình ảnh người phụ nữ thời đại mới, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực

Toàn tỉnh hiện có hơn 288.000 hội viên phụ nữ, đạt tỷ lệ 65,58% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, đây là một trong những lực lượng lao động nòng cốt của tỉnh. Đội ngũ cán bộ nữ, công chức, viên chức, người lao động, nữ đảng viên luôn phát huy tinh thần gương mẫu, tự học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, người phụ nữ nông thôn không còn “thu mình” như trước, mà đã có sự thay đổi rất lớn về ý thức, tâm thế và ngày càng thể hiện vai trò làm chủ của mình. Trong giai đoạn 2016 - 2021, đã có trên 3.000 phụ nữ nghèo làm chủ hộ được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh giúp vươn lên thoát nghèo; trên 3.000 gia đình phụ nữ mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Phụ nữ nông thôn cũng đã tham gia tích cực vào các phong trào, hoạt động tại cơ sở, trở thành lực lượng chủ chốt trong xây dựng mô hình kinh tế, vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới.

Hội viên phụ nữ đồng diễn dân vũ hưởng ứng Tuần lễ áo dài 2023.

Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, các chị em đã và đang làm tốt vai trò “giữ lửa” gia đình, là điểm tựa tinh thần, gắn kết yêu thương. Thông qua các hoạt động đa dạng, phong phú như: giao lưu, tọa đàm, diễn đàn, tư vấn..., các chị em có cơ hội trao truyền các giá trị văn hóa trong gia đình và cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Hiện nay, toàn tỉnh có 584 mô hình dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và gia đình với trên 12.600 thành viên tham gia. Đây là sân chơi, là cơ hội để phụ nữ nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghề nghiệp, kỹ năng sống, các kỹ năng đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Phụ nữ tỉnh ngày càng tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội, chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động và có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân nữ phát triển về số lượng và chất lượng. Trong 10 năm qua, đã có 213 lượt cán bộ chủ chốt của Hội được luân chuyển, đề bạt vào các chức danh lãnh đạo các ngành, trong đó cấp tỉnh có 3 chị, cấp huyện là 48 chị và cấp cơ sở 162 chị. Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội đều tăng qua các nhiệm kỳ. Tỷ lệ nữ trong cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2015 – 2020 cấp tỉnh là 12,5%, cấp huyện 12,72%, cấp xã 17%; đến nhiệm kỳ 2020 – 2025 đều tăng với cấp tỉnh đạt tỷ lệ 18,8%, cấp huyện 16,3% và cấp xã là 25,4%.

Tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khẳng định vị thế

Bà Đặng Thị Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho phụ nữ nhưng cũng đan xen không ít những khó khăn, thách thức. Vì vậy, tổ chức hội phụ nữ các cấp trong tỉnh luôn là điểm tựa vững chắc cho hội viên phát huy tính năng động, sáng tạo xây dựng cuộc sống mới, khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong thời kỳ hội nhập.

Bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Hội LHPN tỉnh đã cụ thể hóa thành phong trào thi đua của tỉnh “Xây dựng người phụ nữ Đắk Lắk thời đại mới”. Với các tiêu chí cụ thể là “có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”, phong trào thi đua đã được Hội xác định cụ thể nội dung trong từng giai đoạn, phù hợp với sự đa dạng của các nhóm phụ nữ ngày nay, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể.

Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Krông Ana tham quan mô hình kinh tế hiệu quả của hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Song song đó, Hội cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá phong trào phụ nữ, hoạt động của Hội, hình ảnh nữ lãnh đạo, gương phụ nữ tiêu biểu có tầm ảnh hưởng, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong xã hội... trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua trang thông tin của Hội để tạo sự lan tỏa. Đặc biệt chú trọng hình thức truyền thông theo nhóm đối tượng; kết hợp giữa tổ chức các chiến dịch truyền thông quy mô lớn, diện rộng với vận động trực tiếp tại địa bàn dân cư theo nhóm đối tượng và vấn đề xã hội quan tâm; quan tâm đối tượng phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số - tôn giáo.

Cùng với sự đồng hành của tổ chức Hội, để xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, điều quan trọng nhất là chính các chị em phải vượt qua những rào cản, những định kiến và sự tự ti của bản thân; cần chủ động, nỗ lực phấn đấu, không ngừng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới để có thể thích ứng và đáp ứng trước những đòi hỏi của kỷ nguyên công nghệ số.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.