Multimedia Đọc Báo in

Dân vận qua các mô hình sinh kế tại Cư Kbang

07:59, 13/04/2023

Là địa phương kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các cấp ủy xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) đã chú trọng lồng ghép công tác dân vận vào việc thực hiện những mô hình hỗ trợ sinh kế giúp người nghèo không chỉ được trao “cần câu” mà còn là cả phương thức và động lực để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cụm 9, xã Cư Kbang có 107 hộ thì có đến 77 hộ nghèo. Bà con nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc các tỉnh phía Bắc di cư tự do từ những năm 2008 – 2011. Năm 2014, 93 hộ dân tại đây được Nhà nước cấp đất, hỗ trợ làm nhà để ổn định chỗ ở, đảm bảo an sinh. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế vẫn là bài toán khó khi bà con không có đất canh tác, chậm đổi mới trong sản xuất. Một số hộ được cấp bò giống nhưng chăn nuôi không hiệu quả hoặc chuyển chỗ ở nên không duy trì và phát triển nguồn hỗ trợ. Chính vì thế, trong lần nhận bò hỗ trợ của Ban Dân vận Tỉnh ủy vào đầu tháng 3 vừa qua, Đảng ủy xã Cư Kbang đã chỉ đạo cụm dân cư lựa chọn hộ dân có đủ điều kiện để đảm bảo duy trì mô hình.

Ông Hoàng Văn Cầu, Cụm trưởng cụm 9 chia sẻ, bà con trong cụm đều khó khăn nên ai cũng muốn được hỗ trợ bò giống để phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, giải thích cặn kẽ về chương trình hỗ trợ trong buổi họp dân, bà con thống nhất ưu tiên cho hộ khó khăn hơn và phải có cam kết chăn nuôi tốt để bò sinh sản.

Qua bầu chọn của bà con, hộ ông Phùng Chỉn Dìn được nhận hỗ trợ từ Ban Dân vận Tỉnh ủy. Ông Dìn cho hay, ông rất vui mừng và xúc động khi được chính Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy trực tiếp lựa chọn cho gia đình con bò to, đẹp và đã được phối giống. Sau hơn một tháng chăn nuôi, con bò giống hiện đang khỏe mạnh, gia đình vô cùng phấn khởi và sẽ cố gắng nhân đàn để phát triển kinh tế.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy H'Kim Hoa Byă trao tặng bò giống cho gia đình ông Phùng Chỉn Dìn ở cụm 9 (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp).

Toàn xã Cư Kbang hiện có 2.543 hộ, số hộ nghèo chiếm hơn 58%. Bằng nhiều giải pháp huy động nguồn lực hỗ trợ cây giống, con giống, nguồn vốn và tập huấn khoa học kỹ thuật, số hộ nghèo trên địa bàn giảm dần từ 4 – 5% so với năm trước. Trong đó, nhiều hộ nghèo đã phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ ban đầu của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng đời sống ấm no.

Chẳng hạn như hộ ông Ma Văn Đô ở thôn 6. Từ con bò giống được Nhà nước hỗ trợ vào năm 2019, gia đình ông đã phát triển chăn nuôi bằng cách giữ lại bê cái để nhân đàn, bán bê đực để trang trải chi phí. Ông cũng dần tích góp mua thêm bò giống, duy trì đàn ổn định từ 5 – 7 con để phù hợp với chuồng trại và điều kiện chăn thả. Nhờ chăm chỉ lao động, sản xuất, năm 2022 gia đình ông đã thoát nghèo.

Hay ông Lý Văn Mão ở thôn 4A cũng nhận được bò giống hỗ trợ từ năm 2016. Được cấp ủy xã, thôn thường xuyên động viên, nhắc nhở, ông đã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò và mạnh dạn áp dụng để phát triển chăn nuôi. Ngoài chăn thả tự nhiên, ông còn mua rơm, trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Sau hai năm chăn nuôi bò, ông vay vốn phát triển thêm mô hình nuôi trâu, trồng lúa nước một vụ. Đến nay, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ có kinh tế khá trong thôn.

Ông Lý Văn Mão ở thôn 4A (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế gia đình.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang Nguyễn Văn Hiếu, để đảm bảo hiệu quả nguồn hỗ trợ, bên cạnh việc chọn lựa, thẩm định công khai, minh bạch, đúng đối tượng, Đảng ủy xã còn giao trách nhiệm cho khối dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã cùng chi bộ, ban tự quản các thôn thường xuyên theo dõi, động viên, đôn đốc người dân duy trì hiệu quả mô hình cũng như nắm bắt tâm tư, sâu sát với đời sống người dân.

Những tấm gương tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo đã trở thành những câu chuyện thực, việc làm thực để các chi bộ thôn tuyên truyền, vận động nhân dân có trách nhiệm với nguồn sinh kế được Nhà nước cùng các tổ chức chính trị  - xã hội hỗ trợ. Thông qua đó, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng được bà con đón nhận tích cực, chủ động tìm hiểu và chấp hành tốt hơn. Đời sống cùng nhận thức của bà con dần nâng lên, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cũng đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, khích lệ tinh thần tự lực, tự cường, chung tay xây dựng quê hương mới ngày càng khởi sắc.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.