Lợi ích “kép” từ sinh vật cảnh
Không chỉ là thú chơi tao nhã, đáp ứng nhu cầu giải trí, thỏa niềm đam mê gần gũi với thiên nhiên, sinh vật cảnh (SVC) còn đem lại lợi ích kinh tế cao, giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động, tạo cảnh quan môi trường, góp phần vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vườn SVC tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tấn Sanh là người đầu tiên của Đắk Lắk được chứng nhận là nghệ nhân SVC Việt Nam. Nghệ nhân gốc Bình Định năm nay 55 tuổi song đã có thâm niên 35 năm gắn bó với cây cảnh.
Hiện ông sở hữu hơn 300 chậu bon sai đa dạng các chủng loại, được chăm sóc cắt tỉa, tạo hình thành những tác phẩm ý nghĩa, ấn tượng, độc đáo trưng bày tại Thư viện tỉnh Đắk Lắk góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh, đẹp trong khuôn viên, tạo không khí thoải mái, thư giãn, nhẹ nhàng cho du khách khi đến đây đọc sách, tham quan.
Những năm qua các tác phẩm giá trị được nhà vườn ông tung ra thị trường, có tác phẩm lên đến 250 triệu đồng, tạo nguồn thu ổn định cho gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho hai nhân công chăm sóc, với mức thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng.
Vườn sinh vật cảnh của nghệ nhân Nguyễn Tấn Sanh tạo không gian xanh đẹp tại Thư viện tỉnh Đắk Lắk. |
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Sanh cho biết, không chỉ nhà vườn của ông, 14 nhà vườn quy mô đang tham gia ở câu lạc bộ và 22 nhà vườn khác trên địa bàn toàn tỉnh thuộc Hội SVC tỉnh, có nhà vườn sở hữu diện tích lên đến vài sào đều có thu nhập ổn định, “sống được, sống khỏe” với nghề khi cung cấp cây cảnh, phục vụ trang trí cảnh quan đô thị, sân vườn, trường học, công viên, các cơ sở tôn giáo, thờ tự… Mới đây, tại Triển lãm SVC trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, có nhà vườn đã bán được một tác phẩm trị giá đến 700 triệu đồng.
Dạo quanh các nhà vườn đều cảm nhận được bầu không khí trong lành, mát mẻ, thư giãn, tạo nên một “điểm nhấn” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tôn tạo cảnh quan, giúp cân bằng sinh thái, cải thiện không gian sống, ứng phó với biến đổi khí hậu. Còn theo thống kê của Hội SVC tỉnh thì các nhà vườn giải quyết việc làm ổn định cho 100 lao động địa phương.
Những nghệ nhân đang sinh hoạt trong Hội SVC tỉnh ngoài việc thường xuyên kết nối, tạo sân chơi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm cũng ý thức, trách nhiệm, tham gia đóng góp nhiệt tình vào các chương trình xây dựng nông thôn mới, phòng, chống đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí ủng hộ gần 500 triệu đồng; hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, cấy trồng hơn 3.000 nhành lan lên cây xanh trong khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk và Di tích lịch sử quốc gia (Biệt Điện Bảo Đại).
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Sanh bên cạnh một tác phẩm giá trị. |
Có thể thấy, SVC đem lại lợi ích về nhiều mặt, song theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Tuyên, Chủ tịch Hội SVC tỉnh thì phong trào SVC trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn khá manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk; năng lực sản xuất những sản phẩm, tác phẩm SVC vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, Đắk Lắk còn phải nhập các dòng sản phẩm trong, thậm chí ngoài nước về cung cấp cho thị trường, trong khi đó hoàn toàn đủ khả năng tạo ra những dòng sản phẩm phong phú, đa dạng nhờ khí hậu, thời tiết thuận lợi. Chính vì vậy, để phong trào SVC trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa, ông cho rằng cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các cấp, ngành liên quan. Theo đó, Đắk Lắk cần xác định đây là một trong những ngành kinh tế sinh thái, mũi nhọn trong chiến lược phát triển nông thôn, nông nghiệp bền vững, đưa nội dung này vào đề án phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh để nâng cao giá trị SVC, nhất là khi Chính phủ đã có Nghị định 52 ngày 12/4/2018 công nhận đây là một trong 7 ngành nghề phát triển nông thôn quan trọng, tiến đến xây dựng, đưa sản phẩm SVC thành một trong những sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Trong khi đó, TS. Trần Ngọc Thanh, Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Nguyên, Trường Đại học Đông Á gợi ý với TP. Buôn Ma Thuột cần xem xét, phát huy hơn nữa hiệu quả diện tích rừng hiện nay, phát triển thành vườn rừng, vườn thực vật, hướng đến bảo tồn các loại gen của các giống cây, lan quý hiếm. Những nhà vườn cần tiếp tục đón đầu, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng, hướng đến đầu tư những sản phẩm thị trường yêu chuộng, định hướng hình thành những làng nghề bài bản, quy củ, tập trung thay vì phân bố rải rác, đơn lẻ như hiện nay. Chắc chắn hướng đầu tư đó là hiệu quả bởi khi đời sống và thu nhập của người dân được cải thiện, nâng cao sẽ kéo theo nhu cầu hưởng thụ các sản phẩm SVC cũng tăng theo.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc