Multimedia Đọc Báo in

Quản lý an toàn thực phẩm: Siết chặt từ gốc

07:37, 26/04/2023

Công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm hiện mới chỉ tập trung vào nhóm sản phẩm có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều vào dịp lễ, Tết, chứ chưa xử lý được tận gốc nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Chọn mua thực phẩm bằng... niềm tin!

Từ chợ truyền thống, chợ cóc, hàng quán vỉa hè đến "chợ online" đều có thể bắt gặp nhiều mặt hàng rất khó xác định rõ chất lượng, nguồn gốc. Bà Đ.T.L. (tiểu thương bán rau chợ Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, các mặt hàng rau được lấy ở chợ đêm, hoặc mối từ người dân trồng, sau đó bán lẻ tại chợ, hoặc cung cấp cho các cửa hàng chế biến đồ ăn, nhà hàng. Vào chợ D (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) dễ nhận thấy nhiều sản phẩm đồ ăn sẵn không có bao bì, nhãn mác, không biết cơ sở sản xuất, không biết hạn sử dụng. Một chủ cửa hàng cho biết thường mua cả thùng bánh kẹo về chia nhỏ ra bán, không nhãn mác, hạn dùng cho từng gói bánh kẹo bán lẻ.

Một số sản phẩm tươi sống được bán trên “chợ online” với giá rất rẻ, có khi chưa bằng nửa giá thị trường, đơn cử như thịt bắp bò chỉ với giá 100.000 đồng/ kg. Khi được hỏi nguồn gốc xuất xứ, người bán chỉ giới thiệu chung chung thịt bò đến từ Ea Súp (?), trải qua vài mối lái mới đến tay người tiêu dùng.

Một gian hàng bán xôi bên cạnh một gian hàng thịt sống, nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao

Ông Nguyễn Duy Quảng, Trưởng Ban Quản lý chợ TP. Buôn Ma Thuột cho hay, Ban Quản lý chợ chỉ tuyên truyền các tiểu thương nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), chứ không thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, bởi người bán hàng chỉ bán ít rau, cá, trái cây, lại qua nhiều trung gian nên khó có thể truy xuất nguồn gốc.

Giữa bạt ngàn những thực phẩm được bày bán tràn lan trên thị trường khó có thể nhận định được sản phẩm nào tốt hay không tốt, vì vậy người tiêu dùng chỉ biết mua ở người quen, thường gọi là "mua bằng niềm tin", người bán nói sao thì biết vậy chứ cũng không biết lấy gì bảo đảm đấy là thực phẩm an toàn! Trong khi đó, mô hình chợ đảm bảo ATTP còn rất mơ hồ; nhiều chợ bố trí quầy bán thịt, cá gần khu vực bán quần áo, thậm chí bán thực phẩm chín, gần rãnh nước… Việc phát triển diện tích trồng rau an toàn, trang trại sản xuất gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn thì còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ cho nhu cầu của người tiêu dùng.

Tăng cường hiệu lực quản lý

Thời gian qua, các ngành chức năng (Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở NN-PTNT) đã có những giải pháp tích cực tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo chuyển biến, nâng cao chất lượng đảm bảo ATTP trên địa bàn toàn tỉnh. 

Bà Lê Thị Châu (Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế) cho biết, ngành y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP đến đông đảo người dân. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, riêng trong Tháng hành động vì ATTP năm nay có ba đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra ATTP tại một số cơ sở sản xuất ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Nông dân xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) sản xuất rau an toàn. Ảnh: Thúy Hồng

Ngành NN-PTNT cũng đang quan tâm đến xây dựng vùng sản xuất an toàn và cấp mã số vùng trồng, xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến; đã triển khai xây dựng được 112 dự án liên kết theo chuỗi giá trị; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hạn chế sử dụng phân bón hóa học. Sở cũng tiếp tục chỉ đạo nhân rộng, mở rộng sản xuất nông nghiệp tập trung, sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo ATTP.

Ngành công thương phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng có kiến thức và biết lựa chọn thực phẩm an toàn; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường; công khai thông tin các trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm, các vụ việc điển hình theo quy định...

Tính đến nay, cả tỉnh đã triển khai thực hiện hỗ trợ chứng nhận VietGAP trong sản xuất nông nghiệp với 7 mô hình/7 địa phương; cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện ATTP cho 230 cơ sở và đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 170 cơ sở; cấp giấy xác nhận kiến thức cho 21 cá nhân thuộc 6 cơ sở đã tham gia sát hạch kiến thức ATTP có kết quả đạt.

Hy vọng thời gian tới, các ngành chức năng sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc quản lý ATTP, hướng tới quản lý từ gốc theo cách thức "từ trang trại tới bàn ăn" để mang lại nguồn cung thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.