COVID-19 tăng nhanh trở lại
Chỉ trong vòng 7 ngày trở lại đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã tăng 50% so với tổng số mắc của hơn 4 tháng đầu năm. Đáng chú ý, rất nhiều người bệnh có tâm lý chủ quan, xem COVID-19 như cảm cúm thông thường, chỉ khi bệnh có biểu hiện nặng hơn mới đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị.
Ghi nhận một bệnh nhân tử vong vì COVID-19 | |
Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trong 7 ngày qua | |
Sẽ đưa vắc xin COVID-19 vào tiêm chủng thường xuyên |
Nhiều bệnh nhân COVID-19 vào viện muộn
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, thời gian qua, nhờ công tác dự phòng tốt, đặc biệt là dự phòng chủ động bằng vắc xin, có những tháng không có bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Tuy nhiên, khoảng hai tháng trở lại đây, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, số bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tăng mạnh. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều trong tình trạng đã tự điều trị một thời gian tại nhà và thường có bệnh lý nền kèm theo. Hiện toàn viện có 33 bệnh nhân đang điều trị (gồm 25 trường hợp tại khoa Truyền nhiễm, 5 trường hợp tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, 3 trường hợp tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc). Trong số bệnh nhân đang điều trị có khoảng 5% bệnh nhân phải hỗ trợ ô xy. Tuy ở thời điểm hiện tại không có bệnh nhân nào ở trong tình trạng quá nặng, song diễn biến vẫn tiềm ẩn phức tạp.
Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên |
Chẳng hạn như trường hợp của cụ bà N., 94 tuổi, ở thôn 8, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, khoảng một tuần trước, bà bị sốt nhẹ, mệt mỏi, ăn uống khó, gia đình cứ nghĩ bà bị cảm thông thường nên tự mua thuốc cảm sốt về cho bà uống. Khi các cơn sốt kéo dài, gia đình mới đưa bà vào nhập viện. Sau khi kiểm tra, làm test nhanh, các bác sĩ chẩn đoán bà N. mắc COVID-19 trong tình trạng viêm long, khó thở phải hỗ trợ ô xy. Biết tin mẹ mình mắc COVID-19, các con bà N. rất lo lắng vì bà chưa từng tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ông Đ.N.L., con trai bà N. cho biết, khi dịch COVID-19 căng thẳng, gia đình ngại đưa bà đến nơi tập trung đông người để tiêm phòng nên chọn cách thực hiện cách ly bà ở nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người để phòng bệnh. Thời điểm dịch bệnh lắng xuống, vì nghĩ bà đã già yếu chỉ ở nhà không đi đâu, nên cả nhà cũng lần lữa chưa đưa bà đi tiêm.
Đối với trường hợp của bà N., bác sĩ Phạm Hồng Lâm cho rằng, đây là trường hợp điển hình không tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 dẫn đến bệnh diễn tiến nặng. Rất may là sau quá trình điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, hiện tại sức khỏe của bà N. tạm ổn, đã được cắt thở ô xy.
Cũng giống như bà N., anh H.V.H., ở thôn Ana, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana cũng mắc COVID-19 nhưng cứ nghĩ là cảm sốt thông thường, tự điều trị tại nhà, đến khi bệnh nặng hơn mới tìm đến cơ sở y tế. Anh H. chia sẻ, gia đình anh buôn bán nhỏ, hàng ngày anh tiếp xúc với khá nhiều người. Thời gian qua, dịch COVID-19 đã giảm hẳn nên quá trình tiếp xúc với khách anh cũng không chú ý nhiều đến việc đeo khẩu trang, khử khuẩn. Khi thấy cơ thể sốt nhẹ và có các triệu chứng như bị cảm, anh mua thuốc về uống, sau vài ngày bệnh không bớt mà còn sốt cao hơn, anh mới tìm đến bệnh viện để khám bệnh và được chẩn đoán mắc COVID-19. “Tôi đã tiêm được 3 mũi vắc xin phòng COVID-19 nên bệnh cũng không tiến triển nặng lắm. Sau mấy ngày điều trị, các triệu chứng của bệnh đã giảm nhiều, hiện chỉ còn sốt liu riu và đau họng nhiều, ăn không được nên sức khỏe hồi phục chậm”- anh H., bộc bạch.
Cần tuân thủ 2K + vắc xin
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, không chỉ riêng Đắk Lắk mà toàn quốc đều có tình trạng nhiễm COVID-19 tăng cao trở lại, nhất là sau đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, người dân đi giao lưu, du lịch đông, nhiều người không thực hiện 2K như Bộ Y tế khuyến cáo, dẫn đến tình trạng lây lan cũng cao hơn. Tại Đắk Lắk tính từ đầu năm đến ngày 18/5, toàn tỉnh ghi nhận 711 trường hợp mắc COVID-19. Chỉ tính riêng 7 ngày qua, số ca bệnh được ghi nhận trên 270 trường hợp và 1 bệnh nhân tử vong, tăng khoảng 50% so với số mắc của 4 tháng trước đó.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh trên địa bàn. |
Bác sĩ Hoàng Hải Phúc phân tích, so với thời gian trước, bệnh COVID-19 có biểu hiện nhẹ hơn, do đó người dân chủ quan, lơ là, cứ nghĩ đó là bệnh cúm thông thường, có thể lướt qua, nhưng đối với người có bệnh lý nền thì nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19 rất cao. Với tình hình này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế cũng như UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông cho người dân hiểu thực hiện biện pháp 2K và hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng ngành Y tế đang triển khai (tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi, tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5-11 tuổi và tiêm mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi) để phòng COVID-19.
Trước tình trạng số mắc COVID-19 gia tăng mạng, ngày 17/5, UBND tỉnh đã có Công văn số 4078/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể, Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước tình hình dịch bệnh COVID-19; tiếp tục theo dõi chặt chẽ, bám sát tình hình dịch bệnh; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời xây dựng phương án, kịch bản và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh tại địa phương, cơ quan, đơn vị; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch góp phần kiểm soát không để dịch bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Công văn số 2642-CV/TU ngày 08/5/2023 về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
“Đối với những người lớn tuổi, người có bệnh lý nền, tình trạng nhiễm COVID-19 vẫn có những diễn tiến đáng lo ngại, đặc biệt vẫn có tử vong. Do đó, người dân cần thực hiện tốt 2K (khẩu trang và rửa tay), tiêm chủng đầy đủ từ 3 mũi vắc xin trở lên để phòng COVID-19 và điều trị tất cả các bệnh lý nền có sẵn. Khi có biểu hiện viêm long đường hô hấp nên đến cơ sở y tế khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời” - Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc