Liên kết phát triển không gian đọc
Hòa cùng không khí ngày tôn vinh văn hóa đọc của cả nước, trong tháng 4/2023, ngành văn hóa Đắk Lắk đã tổ chức thành công nhiều hoạt động cổ vũ, tập trung giới thiệu các không gian đọc như ở đường sách Buôn Ma Thuột, Thư viện tỉnh, và các trung tâm huyện lỵ trên địa bàn.
Đông đảo người yêu sách hội tụ ở những địa điểm này, cùng thể hiện tình yêu sách. Vấn đề làm sao để ngày càng mở rộng điều kiện và cơ hội tiếp cận, quảng bá sách cho cộng đồng, thực sự đem tri thức vào đời sống đông đảo người dân địa phương một cách thuận lợi và hiệu quả nhất cũng đang được đặt ra.
Linh hoạt không gian sách
Một nhà văn trẻ đến từ TP. Hồ Chí Minh tham dự các hoạt động trong ngày tôn vinh văn hóa đọc ở Đắk Lắk nhận xét rằng, có cảm giác địa phương đang rất muốn thể hiện, chọn lựa những không gian văn hóa đọc hữu hiệu, nhưng chưa có những giải pháp nhất quán.
Cụ thể, TP. Buôn Ma Thuột là một trong số ít đô thị đã ưu ái đầu tư, phê duyệt triển khai riêng một con đường sách, xây dựng một điểm hẹn lý tưởng cho những “tín đồ mê sách”. Vị trí con đường này khá đặc biệt khi nằm ngay trung tâm thành phố, ở một địa điểm hết sức thuận tiện, hấp dẫn du khách tham quan mà cũng dễ đồng hành các sự kiện, chương trình hành động của chính quyền và ngành chức năng. Có thể nói, khai thác hiệu quả đường sách bằng những chương trình quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư, nhà xuất bản cả nước hội tụ, cộng hưởng hoạt động từ Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk hay ngành giáo dục sẽ tạo nên không gian cực kỳ thuận lợi để phát triển văn hóa đọc cao nguyên.
Học sinh trường PTTH Lê Quý Đôn TP. BMT đọc sách ở Thư Viện nhà trường. Ảnh: Hữu Hùng |
Cạnh đường sách, Đắk Lắk cũng đang triển khai những không gian mở khác về văn hóa đọc. Tại Thư viện tỉnh, khuôn viên hiện đang lên chương trình đầu tư, cải tạo để có các không gian đọc sách linh hoạt hơn, như sách điện tử, sách nói, mà hoạt động ngày văn hóa đọc là một điểm nhấn, kích thích cộng đồng quan tâm. Ông Lê Kim Quang, Giám đốc Thư viện tỉnh Đắk Lắk bày tỏ, ngành văn hóa đang có đề án kết nối và xây dựng nhiều hơn những không gian đọc sách từ Thư viện tỉnh, TP. Buôn Ma Thuột đến các huyện, xã, phường cho nhiều nhóm đối tượng độc giả yêu sách; và nhất là, ứng dụng chuyển đổi số để không bị bó buộc không gian đọc chỉ với sách giấy, sử dụng những lợi thế không gian mạng để quảng bá mạnh hơn các tác phẩm, thông tin văn hóa đọc Tây Nguyên.
Kết nối, mở rộng hơn không gian sách
Ông Lê Kim Quang cho biết, địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có tổng cộng 13 thư viện cấp huyện, thành phố, thuộc mạng lưới Thư viện tỉnh và quốc gia. Các thư viện đều được đầu tư nâng cấp, cải thiện năng lực, tham gia hoạt động luân chuyển sách đọc theo các chủ đề, chương trình hằng quý và tháng. Tuy nhiên, mạng lưới thư viện này đang bị giới hạn bởi chưa ổn định được hệ thống thư viện, tủ sách văn hóa – pháp luật cấp xã, phường. Ngành văn hóa đang lên kế hoạch thanh tra, rà soát các thư viện cấp cơ sở này để có những số liệu đầu tư cụ thể cho năng lực phát triển các không gian đọc sách cấp cơ sở.
“Vấn đề này, theo tôi nghĩ, cần có sự kết nối linh hoạt và tích cực hơn giữa cơ quan quản lý với các tổ chức xã hội, cấp chính quyền cơ sở, từ đó lựa chọn được và đầu tư thỏa đáng những cơ sở hạt nhân cho văn hóa đọc, tạo nên những không gian đọc sách thực sự bổ ích ở tận xã, phường”, một nhà văn trẻ đến từ TP. Hồ Chí Minh góp ý như vậy. Theo quan sát của anh, Đắk Lắk cần rút kinh nghiệm đã tổ chức thành công những không gian đọc sách của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu… để triển khai định vị rõ hơn không gian sách cấp cơ sở.
Điều này, theo ông Lê Hoàng, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, chuyên gia đầu tư đang triển khai dự án đường sách TP. Hồ Chí Minh thì “phức tạp mà lại đơn giản”. Cụ thể mỗi phường, xã, quận, huyện đến nay đều có những nhà văn hóa đầu tư rất quy mô, có thể thiết lập các không gian thư viện. Nếu mạnh dạn bàn giao những không gian này cho các doanh nghiệp xã hội, nhất là doanh nghiệp hoạt động văn hóa, truyền thông bản địa sẽ tạo ra những điểm đến hội tụ sách. Các không gian này được kết nối, quản lý, trao đổi đào tạo nghiệp vụ với hệ thống thư viện tỉnh sẽ hình thành mạng lưới đọc sách cơ sở rất ổn định, thu hút nhiều bạn trẻ và giới yêu thích sách. Tiếp đó, hoạt động của ngành văn hóa, qua Thư viện tỉnh, kết nối hợp tác với các đường sách, nhất là đường sách Buôn Ma Thuột sẽ có thể tạo chuỗi hoạt động văn hóa đọc, “nhất hô bá ứng”, cùng tổ chức những sự kiện, chương trình lớn tầm cả nước, giới thiệu các tác giả, tác phẩm, quảng bá văn học nghệ thuật địa phương…
Như thế, không gian đọc sách của Đắk Lắk sẽ không chỉ giới hạn trong một con đường sách hay Thư viện tỉnh mà có thể lan tỏa ra tận Hà Nội, đấu nối với Đà Nẵng…; cùng khai thác những lợi thế ứng dụng công nghệ như sách điện tử, sách nói… để phát huy giá trị văn hóa đọc. Theo đó, khi chuyển tiếp sách với nhiều loại hình thể hiện khác nhau, về các cơ sở, là những thư viện cấp xã, phường, rõ ràng sẽ tạo nên một không gian sách cực kỳ linh hoạt và hữu hiệu, thu hút được ngày càng nhiều hơn những người yêu mến sách, những cộng đồng bạn trẻ đọc sách. Những phản hồi từ cấp cơ sở về lựa chọn sách đọc, các nhóm nội dung cần phát triển, lại giúp ngành văn hóa thâu nhận được nhiều thông tin hơn, để thực sự kiến tạo thành công những không gian đọc sách mới.
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc