Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao nhận thức về công tác an toàn vệ sinh lao động

08:19, 24/05/2023

Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động, yếu tố rất quan trọng là phải nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Liên quan đến vấn đề này, Báo Đắk Lắk ghi nhận ý kiến của một số người trong cuộc...

* Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh: Tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động để bảo vệ chính mình

 

Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động xảy ra, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương thì đòi hỏi người sử dụng lao động và người lao động phải nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường làm việc an toàn, có ý thức tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động để tự bảo vệ chính bản thân mình. Các sở, ngành, UBND các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và thanh kiểm tra doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ, đặc biệt trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động hoặc có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Về phía doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn; cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giảm căng thẳng, mệt mỏi tại nơi làm việc. Đối với người lao động, tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ để có biện pháp cải thiện điều kiện lao động phù hợp với điều kiện thực tế, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

* Ông Hà Văn Trọng, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành (huyện Ea H’leo): Cụ thể hóa công tác ATVSLĐ trong chuỗi sản xuất

 

Nhận thức rõ bảo đảm an toàn, vệ sinh trong lao động sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc phát triển bền vững của Công ty, chúng tôi luôn quan tâm thực hiện công tác ATVSLĐ - phòng, chống cháy nổ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động như thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng máy móc định kỳ; phổ biến rộng rãi nội quy, quy chế về ATVSLĐ, nguy cơ yếu tố độc hại và các biện pháp phòng ngừa cho người lao động. Đặc biệt, trước khi tuyển dụng người lao động, các bộ phận sản xuất sẽ hướng dẫn an toàn lao động, vận hành máy trước khi hướng dẫn công việc; hằng ngày sau mỗi ca làm việc đều tổ chức vệ sinh nơi làm việc. Ngoài ra, định kỳ 2 tháng, Công ty sẽ tập trung huấn luyện an toàn lao động để người lao động hiểu rõ nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra… Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về chương trình, chính sách để doanh nghiệp có thêm điều kiện bảo đảm an toàn, vệ sinh tốt nhất cho người lao động, từ đó giúp người lao động yên tâm sản xuất và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

* Chị Hoàng Thị Luận, công nhân Công ty TNHH An Trung Mạnh (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột): Tăng cường công tác kiểm tra để bảo vệ quyền lợi người lao động

 

Luật ATVSLĐ với những quy định cụ thể về quyền của người lao động trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ được công ty nơi tôi làm việc thực thi nghiêm túc. Bản thân tôi làm công việc xử lý phế liệu trước khi đưa vào chế biến nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tai nạn lao động. Tôi cũng từng bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc nên luôn chú ý đến các biện pháp bảo đảm an toàn cho bản thân. Điều tôi mong muốn nhất là được nâng cao thu nhập; đồng thời, được làm việc trong điều kiện an toàn, bảo đảm vệ sinh, được chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần. Ngoài ra, chính quyền, ngành chức năng cần có nhiều hơn nữa những buổi gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại với công nhân để giải quyết kịp thời những vấn đề công nhân quan tâm.

    Hồng Thúy (ghi)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.