Multimedia Đọc Báo in

Những “bông hoa” vượt khó

08:12, 26/05/2023

Dù chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa, nhưng nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn nỗ lực vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập.

Bị khuyết tật bẩm sinh, kéo theo nhiều căn bệnh khác, hầu như không tự đi lại được nên Văn Thị Kim Oanh (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Ea Pal, huyện Ea Kar) gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt, học hành. Bố mẹ đã ly dị từ ngày em còn nhỏ, mẹ lại thường xuyên đi làm ăn xa để kiếm tiền trang trải cuộc sống nên Oanh chủ yếu sống cùng ông bà ngoại.

Em Văn Thị Kim Oanh (giữa) vui vẻ, thân thiện với mọi người.

Đôi tay khiếm khuyết, các ngón tay co quắp khiến việc cầm bút trở nên khó khăn, nhưng không vì thế mà Oanh từ bỏ việc học. Dưới sự động viên, hỗ trợ của gia đình, thầy cô giáo, dần dần Oanh đã điều khiển được cây bút theo ý muốn, biết đọc, biết viết như các bạn. Không chỉ vậy, em còn rất mê vẽ, ước mơ giản dị và cháy bỏng của cô bé 9 tuổi là sau này sẽ trở thành một họa sĩ giỏi, để có thể hằng ngày vẽ tranh bán lấy tiền nuôi ông bà.

Vóc dáng nhỏ bé, yếu ớt, nhưng Oanh có một đôi mắt tinh anh, lanh lẹ, ẩn chứa trong đó là sự khát khao được sống bình thường. Oanh tâm sự: “Hằng ngày đến trường, ngồi trong lớp, nhìn các bạn chạy nhảy, nô đùa ngoài sân còn mình chỉ ngồi một chỗ, thỉnh thoảng cố gắng mon men vịn các bờ tường để lê đôi chân đi ra ngoài khiến cháu cảm thấy tủi thân. Dẫu vậy, cháu rất muốn đi học, mỗi khi nghỉ học là cháu buồn lắm”. Chính nhờ khát khao được học tập và sự cố gắng của bản thân, mấy năm qua Oanh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, trở thành niềm tự hào cho gia đình, thầy cô.

Bà Nguyễn Thị Duẩn (62 tuổi, bà ngoại của Oanh) trải lòng, cháu Oanh cơ thể ốm yếu, vẫn phải đi bệnh viện, uống thuốc thường xuyên. Từ nhỏ đến nay, Oanh chỉ uống được sữa, thỉnh thoảng ăn được ít cháo. Gia đình cũng thuộc hộ cận nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, bởi thế gia đình rất mong muốn có một chiếc xe lăn để giúp cháu Oanh đi lại đỡ vất vả.

Bên cạnh những em không may bị khiếm khuyết ở cơ thể, cũng có nhiều em phải chịu thiệt thòi về tinh thần, vật chất, thiếu vắng tình thương của mẹ cha. Em Lò Thị Mỹ Hồng (SN 2004, dân tộc Thái, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) mồ côi bố mẹ từ sớm, nhà chỉ có hai chị em đùm bọc nhau. Dù gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi từ thuở bé, nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của nhà trường, bà con họ hàng và các tổ chức xã hội khác, Hồng đã nỗ lực, chuyên cần đến lớp, phấn đấu vươn lên trong học tập. Suốt 12 năm học phổ thông, Hồng đều giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Những năm học cấp 3, em còn đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” và giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp trường. Tốt nghiệp cấp 3, Hồng đã quyết tâm và thi đỗ vào khoa Sư phạm tiếng Anh (Trường Đại học Tây Nguyên). Hồng chia sẻ: "Ước mơ của em là khi tốt nghiệp ra trường có được việc làm, trở thành một giáo viên để giảng dạy cho các em nhỏ trên chính quê hương mình".

Em Lò Thị Mỹ Hồng nhận học bổng tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk năm 2023.

Tinh thần, nghị lực vượt khó của các em thật đáng quý. Tại hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu tỉnh do Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức mới đây, các em đã nhận được những sự chia sẻ, hỗ trợ chân tình từ các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm. Sự quan tâm thiết thực đó tiếp thêm động lực cho các em cố gắng học tập, mạnh mẽ vươn lên, vượt qua hoàn cảnh...

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.