Multimedia Đọc Báo in

Sách và những hành trình yêu thương

08:05, 19/05/2023

Mang sách đến các địa phương vùng sâu, góp phần lan tỏa tri thức, nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường, địa bàn dân cư là cách thức mà nhiều tổ chức, đơn vị nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.

Từ xây dựng tủ sách cộng đồng

Nhiều năm trở lại đây, các chương trình, dự án lan tỏa sách về trường học ở nông thôn đã giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với sách. Tuy vậy, việc xây dựng tủ sách ở các thôn, buôn vẫn còn là một hoạt động khá mới mẻ ở nhiều địa phương. Nhiều năm qua, Tủ sách nhân ái tại Ngôi nhà trí tuệ ở thôn Hiệp Hưng (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) với hơn 1.000 đầu sách đủ thể loại đã trở thành điểm đến quen thuộc của học sinh và người dân trên địa bàn. Theo anh Mai Văn Chuyền, phụ trách Ngôi nhà trí tuệ thì đây là mô hình hoạt động nhân ái trong lĩnh vực giáo dục, tập trung vào việc tạo dựng, duy trì và phát triển những cộng đồng học tập suốt đời hoàn toàn miễn phí; tạo sân chơi lành mạnh cho tất cả mọi người. Tủ sách nhân ái tại đây được vận động từ nguồn xã hội hóa, là thư viện cộng đồng miễn phí, từ đó giúp chia sẻ nguồn tri thức, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Học sinh Trường THCS Ea Tul (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) chọn sách từ "Tủ sách lớp em" tại lớp học.

Tại xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar), gần nửa năm nay, ở hội trường thôn 15 xuất hiện một tủ sách, thu hút người dân trong thôn tìm đến đọc và mượn mang về. Anh Hoàng Văn Dũng, Trưởng thôn 15 cho biết, vào tháng 10/2022, nhóm "Tủ sách lớp em Đắk Lắk" đã trao tặng thôn một tủ sách trị giá 5 triệu đồng. Đây là tủ sách cộng đồng đầu tiên ở đây nên được Ban tự quản thôn đặt ở hội trường thôn, phân công người giữ chìa khóa và quản lý tủ sách. Từ đây, nhiều người dân trong thôn hào hứng tìm đến đọc và mượn sách, đặc biệt vào các dịp hội họp, ngày lễ tổ chức tại hội trường thôn.

Cũng theo anh Dũng, thôn 15 có 286 hộ với hơn 1.100 nhân khẩu. Với sự phát triển của mạng Internet và các thiết bị điện tử như hiện nay, người dân ít tiếp xúc với sách hơn, vì vậy việc xuất hiện tủ sách cộng đồng đã giúp khơi dậy tình yêu với sách của bà con. Từ đó, ban tự quản thôn có định hướng sẽ cố gắng đầu tư thêm sách giúp tủ sách phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đến những hành trình yêu thương

Được biết, từ năm 2017, một nhóm cựu học sinh ở huyện Cư M'gar đã huy động sách từ nhiều nguồn, tổ chức chương trình đưa sách về trường cũ của các thành viên để xây dựng tủ sách ở các lớp học. Từ những thành công ban đầu, nhóm có thêm kinh nghiệm hỗ trợ những nhóm cựu học sinh khác hoặc thầy cô giáo trong việc đưa sách về trường; tiến hành khảo sát các trường được thực hiện tủ sách để nắm bắt tình hình đọc của học sinh, từ đó phối hợp với Ban giám hiệu và giáo viên của trường để có cách thức tổ chức thực hiện tốt hơn; đồng thời bổ sung nguồn sách mới cho các nơi này.

Anh Phạm Thanh Tuấn, đại diện nhóm Kết nối yêu thương đang tổ chức các hoạt động xoay quanh với sách từ xe “Thư viện mùa xuân” cho học sinh.

Cùng với phát triển chương trình “Tủ sách lớp em Đắk Lắk”, nhóm còn hướng đến xây dựng tủ sách tại các cộng đồng dân cư, từ năm 2017 đến nay đã trao tặng hàng trăm tủ sách cho các trường học và một số thôn, buôn trên địa bàn tỉnh. Thầy Nguyễn Huy Hoan, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Tul (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) cho hay, năm 2021 Trường THCS Ea Tul được đón nhận 20 tủ sách với 731 đầu sách từ chương trình “Tủ sách lớp em Đắk Lắk”. Qua đó giúp học sinh có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với sách, thoải mái tìm tòi thêm những kiến thức mới mẻ, giúp khơi dậy niềm yêu sách trong học sinh nhà trường.

Cùng với việc xây dựng các tủ sách, việc tổ chức những chuyến xe thư viện lưu động, di chuyển đến các điểm trường vùng sâu, vùng khó khăn giúp học sinh tiếp cận với nhiều sách và có những trải nghiệm bổ ích cũng là một hoạt động giúp lan tỏa văn hóa đọc trên địa bàn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện chiếc xe ô tô màu vàng nổi bật mang tên “Thư viện mùa xuân”, chở theo hàng nghìn đầu sách lăn bánh rong ruổi đến khắp các trường học vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đây là hoạt động do Câu lạc bộ Kết nối yêu thương (TP. Buôn Ma Thuột) vận động thực hiện, nhằm tiếp nối dự án “Thư viện về buôn” do Ban Quản lý Đường sách cà phê khởi xướng và tổ chức cùng các đơn vị từ năm 2019.

Theo anh Phạm Thanh Tuấn, đại diện nhóm Kết nối yêu thương, việc vận hành xe “Thư viện mùa xuân” là hoạt động nằm trong dự án mang tên “Trường học cầu vồng”. Đây là dự án kết nối cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh vùng sâu thông qua việc làm các sân chơi, điểm đọc sách và các chương trình trải nghiệm miễn phí. Với hơn 2.000 đầu sách, “Thư viện mùa xuân” không chỉ đơn giản mang sách đến các điểm trường tặng sách, tổ chức đọc sách thuần túy mà còn có các hoạt động trải nghiệm xoay quanh, từ đó giúp học sinh hào hứng hơn với việc đọc sách.

Mỗi điểm trường mà chuyến xe đi qua, nhóm phối hợp cùng nhà trường, thầy cô giáo để tổ chức các hoạt động thông qua việc tương tác với sách; triển khai đọc sách theo những vòng tròn dưới tán cây ở sân trường, có người hướng dẫn, tổ chức trò chơi, đặt các câu hỏi cho học sinh xoay quanh cuốn sách; cho học sinh viết hoặc vẽ lại những cảm nhận về cuốn sách vừa đọc. Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động trải nghiệm vừa học vừa chơi như: tô màu, xếp lego, nặn tò he, nặn bóng... “Bản chất của hoạt động hướng đến là sự kết nối cộng đồng với đối tượng thụ hưởng chính là học sinh. Việc gieo cho các em những trải nghiệm mới mẻ sẽ giúp các em thấy thế giới bên ngoài thú vị hơn rất nhiều”, anh Tuấn chia sẻ thêm.

Có thể thấy, với những cách thức triển khai khác nhau nhưng các chương trình đều chung mục tiêu đưa sách đến nơi cần sách. Hành trình yêu thương của những cuốn sách đến tận thôn, buôn vùng sâu, vùng xa đã giúp khơi dậy niềm yêu sách, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, lan tỏa tri thức trong cộng đồng.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.