Multimedia Đọc Báo in

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm hỏi, động viên nhân viên quản lý, bảo vệ rừng bị tấn công

18:44, 07/06/2023

Chiều 7/6, Đoàn công tác của Sở NN-PTNT do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương làm Trưởng đoàn đã đến thăm, động viên nhân viên quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm bị các đối tượng tấn công gây thương tích nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên.

Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 2/6, tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Minh Hằng (thuộc quản lý của Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm) một người đàn ông tên Toàn mang theo 1 con dao cùng 3 người khác kéo đến chửi bới, đe dọa anh Trần Hồng Minh, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị này đang làm việc ở đây, sau đó nhóm người trên bỏ đi. 

Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, hai vợ chồng anh Minh trên đường về, khi đến Trạm QLBVR số 3 (thuộc quản lý của Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm) thì bị hàng chục người ép xe, xông vào đánh đập. Các đối tượng rất hung hãn, đã dùng tay chân, đá, mũ bảo hiểm đập vào người anh Minh.

Không chỉ đánh người, các đối tượng đã đập phá 2 xe máy, cửa kính và một số vật dụng tại Trạm QLBVR số 3.

Sau đó, nhóm đối tượng rời đi, anh Minh mới được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị thương tích nặng. Dù đã qua 5 ngày điều trị, nhưng anh Minh vẫn còn đau hai bên sườn chưa thể tự ngồi dậy được, phổi vẫn bị tràn dịch.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương và lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tặng quà cho anh Trần Hồng Minh.

Theo Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm trong thời gian vừa qua, trên địa bàn đơn vị quản lý, tình trạng người dân vào rừng xâm chiếm đất rừng, đốt dọn, trồng hoa màu và cây công nghiệp trái phép hết sức phức tạp.

Mặc dù đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp như: tuyên truyền, giải thích, tuần tra, nhắc nhở để ngăn chặn tình trạng nói trên nhưng một số người dân vẫn cố tình xâm chiếm, trồng trái phép. Đặc biệt, có một số hộ người Mông đang sống giữa rừng trên các tiểu khu 540, 544, 547a nên tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất, diễn ra rất phức tạp và ngày càng gia tăng khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Vạn Tiếp

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.