Multimedia Đọc Báo in

Hương rượu cần dưới chân núi Cư Pui

10:34, 26/06/2023

Gắn bó với đất và rừng từ thuở sơ khai, đến nay dù cuộc sống đã có nhiều biến đổi, nhưng người M’nông và Êđê sinh sống dưới chân núi Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có rượu cần truyền thống.

Rượu cần được xem là nét đẹp văn hóa ẩm thực và là thứ không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Cư Pui mỗi dịp lễ, Tết. Với họ, uống rượu cần là để tạo sự kết nối tập thể, thể hiện sự đoàn kết, bình đẳng trong gia đình, cộng đồng. Vì lẽ đó, dù cho cuộc sống ngày nay có hiện đại, có du nhập nhiều loại hàng hóa mới thì rượu cần vẫn không hề mất đi giá trị của nó.

Chị H’Jih Niê (buôn Khanh, xã Cư Pui) nấu cơm để ủ rượu cần.

Để lưu giữ hương rượu cần phảng phất nơi buôn làng, đồng bào nơi đây không kể già, trẻ đã nỗ lực để học hỏi và lưu truyền nghề nấu rượu của ông bà, cha mẹ để lại. Một trong số đó có thể kể đến chị H’Jih Niê (dân tộc M’nông) ở buôn Khanh, xã Cư Pui. Theo lời H’Jih, chị biết ủ rượu cần từ khi mới 12 tuổi. Lúc đó mẹ chị (Amí Rin) là người truyền dạy và cùng làm với các anh chị em trong gia đình. Cho đến khi mẹ mất, dù có đến mười người con nhưng chỉ có chị H’Jih là “nối nghiệp” của mẹ. Không chỉ giữ được nghề ủ rượu cần mà chị còn luôn tâm niệm là phải cố gắng làm cho rượu càng ngày càng ngon hơn, đảm bảo vệ sinh và được nhiều người biết đến. Để làm được điều đó, chị H’Jih đã tự trồng ngô, trồng sắn, cấy lúa để có nguyên liệu sạch ủ rượu.

Biết rằng “linh hồn” của rượu cần là men, chị H’Jih đã mày mò tìm cách học làm men của những người già, nổi tiếng làm men rượu giỏi trong vùng. Chị cho rằng, men ủ rượu cần đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hương vị của rượu. Men phải hội đủ các vị đắng, cay, chua, ngọt… thì hương vị rượu mới đậm đà. Để làm ra men ủ rượu “chuẩn” nhất, chị H’Jih đã sử dụng những nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên như gạo, lá bép, trái ớt, bao tử, ruột non hoặc mật nhím phơi khô... Sau khi giã tất cả những nguyên liệu đó thành bột thì để ráo nước và vắt thành từng viên như chén ăn cơm. Đặc biệt, những viên bột này phải được bọc với lá mía, bảo quản ở chỗ kín trong một ngày, một đêm để lên men. Viên men sau khi hoàn thành không được phơi nắng, sau 24 giờ phải đục lỗ ở giữa và treo trong bếp.

Rượu cần do chị H’Jih Niê (buôn Khanh, xã Cư Pui) ủ đã trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xã Cư Pui nói riêng và huyện Krông Bông nói chung.

Khi có được những nguyên liệu sạch kết hợp với kỹ thuật ủ rượu truyền thống mà mẹ truyền dạy, chị H’Jih đã căn chỉnh từng lần ủ, trộn men, phối tỷ lệ sao cho phù hợp. Ngay cả cách nấu cơm hay chọn trấu để ủ cũng được chị thực hiện cẩn thận. Chị H’Jih chia sẻ: “Để có được một vò rượu cần ngon, ngoài nguyên liệu bảo đảm, kỹ thuật “lành nghề” thì cái “tâm” là yếu tố quan trọng. Khi nấu và nếm thử, người tạo ra vò rượu phải nghĩ đến cảm giác của người uống”.

Nhờ có cái “tâm” ấy, hiện rượu cần do chị H’Jih nấu đã được nhiều người biết đến. Không chỉ những người trong buôn, trong xã mà du khách trong và ngoài huyện khi đến với Cư Pui, được nếm thử rượu cần mang thương hiệu Amí Rin đều ngây ngất khó quên và tìm đến đặt hàng mỗi khi có dịp. Anh Nguyễn Hồng Thuận (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, dù đã nếm qua nhiều loại rượu cần ở nhiều địa phương khác nhau nhưng khi đi tham quan tại một sự kiện có trưng bày sản phẩm rượu cần của chị H’Jih Niê nấu, anh đã mua một vò loại 4 lít về uống thử. Thật bất ngờ, rượu cần xuất xứ từ một xã vùng sâu dưới chân núi Cư Pui lại mang hương vị đậm đà khác biệt. Từ đó anh liên hệ tiếp tục đặt hàng mỗi khi có dịp cần và giới thiệu cho nhiều người thân quen, bạn bè khác.

Để sản phẩm rượu cần với thương hiệu Amí Rin của chị H’Jih Niê có cơ hội tiếp tục chinh phục khách hàng gần xa, mở rộng thị trường và quan trọng hơn là góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây, các cấp, các ngành và chính quyền sở tại đã tuyên truyền, vận động để chị tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Khi nói đến văn hóa của người Êđê, M’nông không thể không nhắc đến rượu cần và cồng chiêng. Đây là những thứ luôn gắn liền với người dân trong các lễ hội, lễ cúng. Tuy nhiên, hiện nay trong các buôn làng ngày càng vắng thưa dần những người biết đánh chiêng, ủ rượu cần truyền thống của dân tộc. Đứng trước nguy cơ mai một của “văn hóa rượu cần”, xã Cư Pui đã thể hiện quyết tâm lưu giữ lại bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc chọn sản phẩm rượu cần của chị H’Jih Niê làm sản phẩm OCOP của địa phương mình và hỗ trợ kết nối cũng như trưng bày sản phẩm tại nhiều sự kiện.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.