Lớn lên cùng con
Như thường lệ, Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay (1/6) cũng sẽ là khởi đầu cho Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, từ ngày 1/6 đến hết ngày 30/6/2023.
Đây cũng là dịp nghỉ hè, cũng là khoảng thời gian mà các hoạt động rèn kỹ năng sống cho trẻ hoặc các lớp học nuôi dạy con dành cho cha mẹ được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Về khía cạnh thông tin, chỉ cần gõ cụm từ “nuôi dạy con” hoặc “nuôi dạy trẻ” ở các công cụ tìm kiếm trên mạng Internet thì có thể tìm thấy hàng triệu kết quả. Từ các diễn đàn liên quan đến trẻ em, giáo dục gia đình cũng có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ. Và đôi khi, chỉ cần ngẫu nhiên bật ti vi cũng có thể được thấy, được nghe các chuyên gia thuộc các lĩnh vực: tâm lý, giáo dục, y tế… tư vấn hay hướng dẫn cách nuôi dạy và chăm sóc trẻ.
Học sinh khối lớp 8, Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia hoạt động trải nghiệm cuối năm học 2022 - 2023. Ảnh minh họa: X. Hoàn |
Tuy nhiên, trong sự đa dạng về thông tin thì cũng rất dễ nhận thấy tình trạng bối rối của cha mẹ trên hành trình tìm ra phương pháp phù hợp để “nuôi dạy con”. Trên các diễn đàn, lúc thì người ta khuyên nhau nên rèn cho con tính nhẫn nại, khiêm nhường như người Nhật, lúc thì lại khuyến khích đứa trẻ có tính quyết đoán, phá cách như người Mỹ. Đôi khi trong cùng một khóa học, cha mẹ có thể nghe được bí quyết “nuôi con thông minh của người Do Thái” nhưng đồng thời cũng có thể được nghe về triết lý “trẻ em không cần phải quá thông minh” được cho là của người Nhật.
Hay như sách của các tác giả Mỹ thì nổi bật với quan điểm dạy con tích cực, chủ động trong cuộc sống, làm chủ bản thân, không lệ thuộc vào cha mẹ, trong khi sách của các tác giả Trung Quốc lại có xu hướng khích lệ cha mẹ định hướng và giám sát con đi theo khuôn mẫu của mình. Bởi thế, trên các diễn đàn bàn về cách nuôi dạy con, đã có nhiều tranh luận trong các chủ đề như: nên cho trẻ bú mẹ hay bú bình? nên ru con ngủ hay để con tự ngủ? khi con khóc có nên dỗ không? đánh con là giáo dục hay phản giáo dục? nên cho con ngủ riêng hay ngủ chung với người lớn?…
Vậy thì, cha mẹ nên làm sao để có phương án phù hợp với con của mình? Đó là câu hỏi mà bất kỳ cha mẹ nào cũng phải tìm cách tự trả lời. Rõ ràng, không thể tuyệt đối hóa một quan điểm hay một cách thức nuôi dạy con nào đó. Bởi, điều này chỉ gây thiệt thòi cho con trẻ. Cha mẹ hoàn toàn có thể tìm ra điểm mạnh, điểm hạn chế của từng kiểu nuôi dạy con để thấy được những điểm lợi nhất, dễ làm nhất trong điều kiện của mình, phù hợp với con mình. Điều hiển nhiên mà không phải người lớn nào cũng nhận ra là, việc lớn lên cùng một đứa trẻ cũng chính là cách mà người lớn tự hoàn thiện mình rất hiệu quả. Trong đời sống hằng ngày, có biết bao nhiêu là thứ mà người lớn phải dạy con, từ lề lối sinh hoạt tới kinh nghiệm sống hay sự hiểu biết khoa học. Trong quá trình sống, thông qua việc quan sát mô hình hành vi của người lớn, đứa trẻ học hỏi để trưởng thành bằng cách tiếp nhận, thích nghi hệ thống giá trị, chuẩn mực, kinh nghiệm sống, từ đó có khả năng hành xử như một người bình thường theo cách mà chúng được dạy dỗ.
Bởi vậy, có lẽ dạy con kiểu gì cũng khó có thể bằng cách cho đứa trẻ thấy cách mà cha mẹ đang sống. Thật khó dạy con có thói quen đọc sách nếu cha mẹ không đọc cũng như làm sao có thể dạy con chăm chỉ nếu mình lười biếng. Trong rất nhiều trường hợp, cha mẹ không nhất thiết áp đặt “con phải làm thế nọ, thế kia” nhưng cách hành xử đúng mực, thái độ sống kiêu hãnh, sự gắng gỏi và tính lương thiện của cha mẹ hằng ngày “ngấm” vào đứa trẻ rất chậm và “ở lại” để làm nên nhân cách của những đứa trẻ. Trong suốt hành trình dài lâu và bền bỉ đó, cha mẹ cần có niềm tin vào các giá trị của bản thân, của con mình và có khả năng phân tích, đánh giá bối cảnh để không hoang mang hoặc mù quáng. Điều đó thực sự rất cần cho quá trình “lớn lên” một cách bình thường của đứa trẻ.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc