Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động thời 4.0

08:31, 25/06/2023

Trong tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế và hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các đơn vị, doanh nghiệp đã và đang tạo điều kiện cho người lao động tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp phù hợp để nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Là một trong những doanh nghiệp lớn, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco) đặc biệt chú trọng và quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên, người lao động.

Với đặc thù kinh doanh ở mảng cà phê, các lĩnh vực về thị trường, bán hàng, quảng bá sản phẩm được Công ty đặc biệt quan tâm với mong muốn tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động trong công ty đều nắm bắt được thông tin cơ bản về ngành nghề.

Nhân viên Simexco Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.

Theo đó, ngoài việc mời các chuyên gia chia sẻ kiến thức về nhận biết các loại cà phê, đặc tính của từng loại, các phương pháp chế biến cà phê đặc sản, kỹ thuật canh tác cà phê bền vững…, công ty còn thường xuyên mở các lớp đào tạo về các kỹ năng nâng cao như thử nếm cà phê, kỹ thuật pha chế, rang xay cà phê, kỹ năng bán hàng… Tất cả các khóa đào tạo đều được khảo sát dựa trên nhu cầu của cán bộ, công nhân viên công ty và được tổ chức phù hợp với thời gian công tác của từng phòng, ban, trung tâm để mọi người đều có thể tham gia để nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công việc chuyên môn.

 

Bình quân hằng năm toàn tỉnh có 15% đoàn viên, người lao động được học tập, nâng cao trình độ học vấn, 10% người lao động được tham gia thi tay nghề, nâng bậc thợ; hơn 155.000 lượt đoàn viên, người lao động được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngắn hạn.

Là nhân viên của Phòng Kinh doanh - Xuất nhập khẩu, trực tiếp làm việc tại showroom Simexco - Đặc sản Đắk Lắk, công việc chính của chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên là tư vấn bán hàng và chăm sóc khách hàng. Theo chị Nguyên, việc đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho người lao động tại một doanh nghiệp dù là nhỏ hay lớn cũng đều rất cần thiết và quan trọng bởi đó là một trong những yếu tố quyết định đến sự tồn tại lâu dài và sự phát triển vững mạnh của một doanh nghiệp. Mới làm việc tại công ty được gần một năm nhưng chị Nguyên đã được tham gia nhiều buổi đào tạo liên quan đến các chủ đề về chuyên ngành cà phê, kỹ năng bán hàng, kỹ năng chốt sale, chăm sóc khách hàng... Hiện nay, chị Nguyên là thành viên kiêm nhiệm thuộc Đội đào tạo Simexco, trực tiếp tham gia vào khâu tổ chức đào tạo của doanh nghiệp. “Ngoài công việc chính, khi được làm thành viên của Đội đào tạo, tôi có thêm cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ các giảng viên, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành cà phê. Từ đó tích lũy thêm kiến thức để có thể truyền đạt lại cho các bạn nhân viên mới, cùng hỗ trợ nhau hoàn thành công việc tốt nhất”, chị Nguyên chia sẻ.

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk có nhiệm vụ quản lý khai thác các công trình thủy để phục vụ t­ưới tiêu; cải tạo, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi; xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, dân dụng, giao thông và cấp n­ước cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, n­ước sinh hoạt và phục vụ dân sinh, kinh tế khác. Xác định trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, sự nhiệt tình của người lao động là điều kiện tiên quyết đem đến thành công cho doanh nghiệp, thời gian qua, công ty đã mở các lớp đào tạo quản lý, vận hành công trình; tập huấn, huấn luyện công tác an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ... Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, người lao động có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, giảm bớt nguy cơ bệnh nghề nghiệp, ngăn ngừa tai nạn lao động trong sản xuất; đồng thời tiếp cận công nghệ mới, thiết bị hiện đại và thích nghi với xu thế phát triển chung của doanh nghiệp.

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đào tạo quản lý, vận hành công trình cho người lao động tại đơn vị.

Có thể nói, việc phát triển kỹ năng cho người lao động đều được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm. Nhờ vậy, chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ tay nghề của người lao động ngày càng được nâng cao. Công tác đào tạo, đào tạo lại và tổ chức thi nâng cao trình độ tay nghề, bậc thợ cho người lao động thường xuyên được các doanh nghiệp tổ chức, khuyến khích người lao động tích cực tham gia học tập, rèn luyện.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn trong tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác vận động, thuyết phục, thương lượng và đối thoại với chủ doanh nghiệp để đưa nội dung học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động vào nội dung thỏa ước lao động tập thể và nghị quyết hội nghị người lao động, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hằng năm. Đây là một bước quan trọng để thúc đẩy phong trào học tập trong công nhân viên chức lao động; nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với việc học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động; tạo động lực phát triển con người toàn diện và nâng cao đời sống người lao động.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc