Niềm vui sau trang báo…
Gần 15 năm theo nghề báo - thời gian chưa phải là nhiều, nhưng tôi đã nếm không ít những nỗi buồn, day dứt, trăn trở và cả gian nguy. Nhưng chặng đường hành nghề đã qua cũng có những niềm vui, hạnh phúc và hạnh phúc lớn nhất đến từ những nhân vật, bạn đọc.
Một ngày đầu tháng 5/2021, đang cặm cụi gõ bản tin từ cơ sở để gửi về tòa soạn thì có người đàn ông trung niên ngồi bàn bên cạnh sang bắt chuyện: “Có phải chú là nhà báo. Vâng, tôi là…. Có việc này nhờ chú nhà báo viết giúp cho bà con”.
Thì ra, ông là một người dân ở thôn 5, thị trấn Ea Súp, huyện biên giới Ea Súp. Ông phản ánh, thôn này có 135 hộ, với 576 nhân khẩu đã sinh sống ở đây khoảng 20 năm nhưng chưa có điện lưới quốc gia. Để có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, bà con phải bỏ tiền kéo điện từ nơi khác về, đường dây không bảo đảm an toàn, hao tổn điện lớn, người dân mong chờ có điện lưới quốc gia.
Một thời gian sau, thông tin này được phản ánh trên Báo Đắk Lắk và ngành điện đã đến kiểm tra, khảo sát thực tế. Sau đó không lâu, một trạm biến áp và đường điện đã được đầu tư lắp đặt cho người dân. Ngày đóng điện, bà con ở đây rất phấn khởi vì niềm mong mỏi bao lâu về một đường điện an toàn, đúng tiêu chuẩn đã được đáp ứng. Tôi nhận được những cuộc gọi, tin nhắn từ cơ sở để cảm ơn.
Vậy là bài viết nhỏ có hiệu ứng tích cực cho xã hội. Chuyến công tác về lại huyện Ea Súp sau đó, nhìn đường điện khang trang, những máy xay xát, nhà nuôi yến mới được xây dựng vì có điện lưới, tôi cũng cảm thấy vui lây với người dân nơi đây.
Nhà báo Minh Thuận (Báo Đắk Lắk) trong một chuyến công tác ở huyện M'Drắk. |
Đến bây giờ, tôi không nhớ nổi đã gặp, phỏng vấn bao nhiêu nhân vật, tiếp xúc bao nhiêu bạn đọc của Báo Đắk Lắk.
Có những câu chuyện, nhân vật, bạn đọc chỉ gặp và không thể đưa lên mặt báo, nhưng vẫn trăn trở, day dứt mãi. Có những người gặp và viết bài xong rồi thôi, đâu nghĩ một ngày gặp lại họ với những câu chuyện bất ngờ.
Như năm trước đây thôi, tôi nhận được cuộc gọi giọng nữ của một bạn đọc. Nói chuyện một lúc, tôi mới nhớ ra chị là nhân vật trong bài viết của mình từ hơn 10 năm trước, nhưng chị em không lưu số điện thoại của nhau để liên lạc. Chị xin số điện thoại của tôi từ một nhà báo khác mà chị mới gặp làm việc.
Hồi đó, chị là chủ một doanh nghiệp sản xuất nhỏ, mới khởi nghiệp ở huyện Ea Kar nên hoạt động còn nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ hẹp. Chị kể, khi đó, mạng xã hội chưa phát triển nên việc quảng bá thông tin, hình ảnh sản phẩm rất hạn chế. Một số đối tác, bạn hàng biết thông tin về doanh nghiệp của chị qua bài viết trên Báo Đắk Lắk và tìm đến đặt vấn đề cung cấp nguyên liệu, mua sản phẩm.
Đến nay, doanh nghiệp của chị đã lớn mạnh hơn nhiều, sản phẩm đa dạng hơn, thị trường tiêu thụ được mở rộng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu. Tôi từ chối cuộc hẹn cà phê của chị để cảm ơn bài báo năm xưa, nhưng lòng cảm thấy vui vì một bài báo có ích.
Tác giả trong một chuyến đi tác nghiệp giữa rừng. Ảnh: Khánh Huyền |
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), xin kể lại hai câu chuyện nhỏ trên như một lời tri ân đến bạn đọc. Thế đấy, hạnh phúc của những người làm báo chúng tôi không gì bằng là sự đón nhận, trân quý và ghi nhận của bạn đọc. Đó cũng là nguồn động lực giúp chúng tôi yêu nghề hơn, hành nghề nghiêm túc và trách nhiệm để có những bài báo có ích cho bạn đọc và xã hội…
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc