Multimedia Đọc Báo in

Tuyên truyền pháp luật theo cách riêng của giới trẻ

08:23, 14/06/2023

Với nhiều mô hình, chương trình, hoạt động phù hợp với thực tế, nhu cầu tại từng địa phương, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã và đang thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN).

Những mô hình trực quan sinh động

Được triển khai từ năm 2018, mô hình "Phiên tòa giả định" với các tình huống chân thực, sinh động dựa trên những vụ án hình sự có thật là sáng kiến của Chi đoàn Viện KSND tỉnh trong việc đa dạng hóa các hình thức TTPBGDPL cho ĐVTN. Phiên tòa giả định đều có đầy đủ thành phần như: Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký, công an, luật sư, người phạm tội và người có liên quan. Theo đó, ở mỗi phiên, ĐVTN đơn vị sẽ diễn một đoạn kịch ngắn về câu chuyện của đối tượng tại thời điểm vi phạm dựa trên tình huống có thật, sau đó đưa ra những đề tài tranh luận trong việc chấp hành pháp luật.

Phiên tòa giả định được tổ chức tại Trường THPT Dân tộc Nội trú Tây Nguyên.

Bằng hình thức trực quan, sân khấu hóa vừa sinh động, vừa gần gũi, người dân và nhất là các bạn trẻ tham dự những phiên tòa giả định đã có cơ hội tiếp cận các tình tiết vụ án, các quy định pháp luật một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ. Mới đây, Chi đoàn đã phối hợp với Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức “Phiên tòa giả định” tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy, bạo lực học đường tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên với sự tham gia của 1.400 học sinh. Em Lê Gia Huy (học sinh lớp 11) chia sẻ: “Lần đầu tiên được tham dự chương trình như thế này em thấy thực sự bổ ích, có ý nghĩa. Tình huống trong phiên tòa rất thực tế, là những tình huống mà chúng em có thể gặp hằng ngày. Từ các tình tiết, tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo, giúp chúng em hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật cũng như ý thức rõ những hệ lụy của việc tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời nắm được thủ đoạn của kẻ xấu để tự bảo vệ bản thân”.

Những năm gần đây, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh cũng chủ động đổi mới phương pháp, khéo léo lồng ghép các hoạt động văn nghệ, sân khấu hóa trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân nâng cao hiểu biết và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đơn cử tại Chiến dịch Mùa hè xanh hằng năm, đơn vị thực hiện tuyên truyền pháp luật tại các địa bàn có đội hình Mùa hè xanh đóng quân thông qua hình thức sân khấu hóa, tổ chức lồng ghép các đêm văn nghệ quần chúng. Đội thanh niên xung kích của Đoàn lên kịch bản, tập luyện và trình diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc gắn với văn hóa địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo người dân tham gia; đồng thời xây dựng và biên soạn các nội dung TTPBGDPL cùng các câu hỏi tình huống để tạo sự tương tác sôi nổi.

Trong năm 2022, Tỉnh Đoàn cũng đã tổ chức hoạt động TTPBGDPL theo hình thức Hội thi “Rung chuông vàng” thu hút đông đảo đoàn viên, thanh thiếu niên các địa phương tham gia, qua đó cung cấp các kiến thức hữu ích về nội dung cơ bản và các văn bản bổ sung, điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ, Luật Thanh niên sửa đổi bổ sung năm 2020, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đến với ĐVTN và người dân địa phương.

Đưa kiến thức pháp luật đến với thanh thiếu niên

Để nâng cao chất lượng TTPBGDPL cho thanh thiếu niên, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn phối hợp với cơ quan Công an, Tư pháp, Giáo dục… tuyên truyền về những vấn đề được xã hội quan tâm như: Tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, an toàn giao thông, bạo lực học đường… Các cấp bộ Đoàn tổ chức nói chuyện chuyên đề Luật Thanh niên, Luật Biển Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…; phát hàng nghìn tờ rơi, sách, báo tuyên truyền về pháp luật cho các cơ sở Đoàn và ĐVTN làm tài liệu sinh hoạt, nghiên cứu, học tập. Bên cạnh đó, đơn vị cũng xây dựng chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”. Theo đó, kể những câu chuyện về người tốt, việc tốt, hành động đẹp đăng tải, chia sẻ qua các kênh thông tin của đoàn, đội, mạng xã hội…

Buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ của các bạn trẻ tại xã Krông Nô (huyện Lắk).

Tại các trường học, 100% ĐVTN ký cam kết không vi phạm pháp luật, xây dựng lối sống tích cực, lành mạnh; hằng năm 100% đoàn trường THPT tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”. Nhiệm kỳ 2017 - 2022, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức trên 5.300 đợt tuyên truyền phòng, chống tội phạm, đảm bảo an toàn giao thông tại cơ sở; trên 13.600 hoạt động tuyên truyền pháp luật trong ĐVTN khối trường học, thu hút hơn 621.000 lượt thanh thiếu niên tham gia; tổ chức giáo dục, cảm hóa cho 1.291 thanh thiếu niên hoàn lương, thanh thiếu niên chậm tiến sau cai nghiện ma túy; duy trì hoạt động của 173 đội thanh niên tình nguyện đảm bảo trật tự  an toàn giao thông thu hút 1.220 ĐVTN tham gia

Theo đánh giá của chị Phan Thị Trinh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, nhờ đa dạng nội dung, hình thức, hoạt động TTPBGDPL đã góp phần định hướng tư tưởng, lối sống cho ĐVTN trên địa trong tỉnh cũng như nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của tổ chức Đoàn. Để tiếp tục làm tốt vai trò là cầu nối trong việc đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với thanh thiếu niên, thời gian tới các cấp bộ Đoàn cần triển khai thường xuyên các hoạt động TTPBGDPL cho các bạn trẻ, trong đó tập trung vào đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao.

Khánh Như


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.