Nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên
Nhằm phát huy vai trò “cầu nối” giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở.
Mỗi cán bộ là một “chuyên gia”
Sau 16 năm phụ trách mảng chính sách xã hội, năm 2022, chị Nguyễn Thị Hoài Thu (cán bộ văn hóa xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) được giao phụ trách lĩnh vực tôn giáo.
Mặc dù có thâm niên công tác tại xã, nắm chắc tình hình địa bàn, nhất là ở 7 buôn đồng bào DTTS tại chỗ nhưng khi tiếp cận với lĩnh vực mới, chị Thu vẫn gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Toàn xã có ba tôn giáo chính gồm Tin lành, Công giáo, Phật giáo, tỷ lệ người theo đạo chiếm 50% dân số.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS, vùng có đạo, chị Thu đã tích cực tham gia những lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền do các cấp, các ngành tổ chức. Đồng thời, chị tự nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật các văn bản thuộc lĩnh vực phụ trách qua mạng Internet, các phương tiện thông tin đại chúng.
Cấp ủy, ban tự quản buôn Êbung (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. |
Đối với chị, khó khăn lớn nhất trong công tác tuyên truyền, vận động ở vùng đồng bào DTTS, tôn giáo chính là sự bất đồng về ngôn ngữ, tập quán, văn hóa. Chị đã tranh thủ vai trò của già làng, người có uy tín, các chức sắc, chức việc để “nghe dân nói, nói cho dân hiểu” các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo. Đồng thời, phối hợp với công an, tư pháp xã hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những nhu cầu tôn giáo chính đáng của người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu Y Khôn Knul, tùy theo vị trí công tác, mỗi cán bộ, công chức xã đều là một tuyên truyền viên tích cực. Xã cũng chú trọng phát huy vai trò của cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể, già làng, người có uy tín ở thôn, buôn trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Mỗi tuyên truyền viên cơ sở không chỉ tự học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ mà còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để có thể trở thành một “chuyên gia” trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Hay như tại huyện Ea Kar, ngay sau khi tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vấn đề đáng lưu ý, UBND huyện đã tổ chức hội nghị thông tin tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho đội ngũ cán bộ xã, cấp ủy, ban tự quản, người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ea Kar Vương Tấn Thành cho biết, đội ngũ cán bộ cơ sở và 86 người có uy tín trong đồng bào DTTS là những tuyên truyền viên tích cực tại cơ sở. Chính vì vậy, việc cung cấp thông tin chính thống, định hướng tuyên truyền kịp thời góp phần giúp đội ngũ này phát huy vai trò “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương với nhân dân.
Cần nâng cao chất lượng tuyên truyền
Bên cạnh đội ngũ cán bộ cơ sở tham gia công tác tuyên truyền tại thôn, buôn, tổ dân phố, đến nay, 163/184 xã, phường, thị trấn cũng đã bố trí người hoạt động không chuyên trách phụ trách công tác tuyên giáo - dân vận ở cơ sở. Họ chính là lực lượng chủ đạo, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin tập huấn chính sách tín dụng ưu đãi cho các tổ trưởng vay vốn tại xã Ea Tiêu. |
Với mục tiêu nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã chú trọng tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, vận động, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên ở cơ sở. Các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, đảng ủy, ban tuyên giáo các cấp đã tăng cường tổ chức hội nghị báo cáo viên cơ sở, thông tin tình hình thời sự, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên. Trong sinh hoạt thường kỳ, các chi bộ, ban tự quản đã triển khai thông tin tình hình thời sự và các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật, kết hợp giải thích, định hướng những vấn đề thời sự, chính trị nổi bật, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở cũng đã tổ chức các buổi đối thoại với nhân dân, tham gia phát động quần chúng, kịp thời nắm bắt và giải quyết được những nguyện vọng chính đáng và các vấn đề tại cơ sở. Qua đó, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, định hướng dư luận xã hội phù hợp, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Đình Nam, Trưởng Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở còn thiếu kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết về văn hóa, tập quán, lối sống của đồng bào các dân tộc. Số lượng tuyên truyền viên biết ngôn ngữ các DTTS còn ít. Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào chưa phong phú, hấp dẫn, chưa phù hợp từng loại đối tượng. Nguồn lực kinh phí để thực hiện các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn hẹp, thường được lồng ghép trong các chương trình khác của địa phương nên hiệu quả chưa cao.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc