Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa tình và trách nhiệm

08:27, 27/07/2023

Tháng 7 - tháng nghĩa tình với nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người có công, gia đình chính sách. Đó vừa là tinh thần trách nhiệm, vừa là tình cảm đối với những người đã đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tùng (quê huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), cư trú phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) có chồng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và con trai hy sinh trong đấu tranh truy quét FULRO tại Đắk Lắk. Hiện nay, dù đã bước sang tuổi 96 nhưng Mẹ vẫn hoạt bát, minh mẫn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tùng, ở phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột).

Trong những năm qua, Mẹ luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của con cháu, các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ngoài chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, năm 2016 Mẹ được Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12) nhận phụng dưỡng với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Mẹ Tùng xúc động: "Mỗi dịp lễ, Tết... có nhiều đơn vị đến thăm hỏi, tặng quà, chuyện trò. Mẹ rất vui!".

Trong căn nhà nhỏ ở phường An Bình (thị xã Buôn Hồ), bà Tô Thị Kim Hùng (71 tuổi), con gái liệt sĩ Trần Hoài Thanh không giấu được niềm vui. Vào dịp 27/7, thanh niên trong phường lại đến thăm hỏi, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa cơm tươm tất để ăn cùng bà. “Bữa cơm tri ân” không chỉ thể hiện tấm lòng biết ơn của tuổi trẻ hôm nay đối với gia đình có công với cách mạng, mà còn là dịp để lớp con cháu hiểu thêm và tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc", anh Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đoàn phường An Bình chia sẻ.

Toàn tỉnh có hơn 45 nghìn người có công và thân nhân người có công; trong có hơn 10 nghìn đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng với kinh phí chi trả gần 21 tỷ đồng/tháng. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, thân nhân người có công thời gian qua luôn được tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đều tổ chức đưa người có công với cách mạng đi điều dưỡng tập trung, tham quan; đo, khám dụng cụ chỉnh hình cho các thương, bệnh binh; huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ cây, con giống để các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống...

Đoàn viên thanh niên phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) chuẩn bị "Bữa cơm tri ân" với thân nhân gia đình liệt sĩ Trần Hoài Thanh.

Chí tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, từ nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh, huyện, xã và từ quỹ phúc lợi của các đơn vị, doanh nghiệp, toàn tỉnh đã thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng (trong đó, quà của Chủ tịch nước gần 4,1 tỷ đồng, tỉnh hơn 8,2 tỷ đồng, các địa phương gần 2,7 tỷ đồng). Sở LĐ-TB&XH tổ chức đưa 55 người có công với cách mạng tiêu biểu của tỉnh đi tham quan các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Đồng thời tổ chức 3 đợt với 223 người có công đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công miền Trung (TP. Đà Nẵng).

Bên cạnh đó, Sở triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ, chính sách ưu đãi cho người có công như: tiếp nhận hồ sơ; kiểm tra, xem xét để giải quyết chế độ; quản lý, chi trả kịp thời, đúng chế độ cho các đối tượng chính sách có công trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác tiếp đón thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng, di dời hài cốt liệt sĩ...

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, việc chăm lo cho đối tượng chính sách, gia đình người có công là việc làm được thường xuyên và liên tục. Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể và chính quyền các địa phương huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách có công. Theo thống kê, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn khoảng hơn 900 gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều và hơn 600 hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Để giải quyết vấn đề này, Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch như: giao đất làm nhà ở, xây dựng nhà ở; miễn giảm tiền sử dụng đất; hỗ trợ phát triển kinh tế... nhằm giúp các đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống.

Năm nay, toàn tỉnh có 14.418 đối tượng được UBND tỉnh tặng quà với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương tiến hành trao quà của Chủ tịch nước (300 nghìn đồng và 600 nghìn đồng tùy theo diện chính sách); đồng thời huy động thêm các nguồn lực để tổ chức gặp mặt và tặng quà, tri ân người có công.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.