Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác an ninh cho vụ sầu riêng 2023

07:59, 16/08/2023

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023. Để bảo đảm cho việc thu hoạch sầu riêng đạt hiệu quả cao, các địa phương đang tăng cường công tác an ninh cho những vùng trồng.

Bám sát tình hình sản xuất

Đắk Lắk hiện có 22.500 ha sầu riêng, với sản lượng trên 200.000 tấn, thời gian thu hoạch từ cuối tháng 7 đến tháng 10 hằng năm. Một số địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn như huyện Krông Năng, Krông Pắc, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ...

Hiện nay sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Chính vì đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nên vấn đề bảo đảm một mùa vụ thu hoạch hiệu quả đang được cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ, địa phương có gần 3.600 ha sầu riêng, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là hơn 1.000 ha, với sản lượng ước đạt 13.000 tấn. Đến nay, sầu riêng của thị xã Buôn Hồ đã được cấp 1 mã vùng trồng (với diện tích 11,4 ha), đang hoàn thiện 2 mã (37,8 ha) và đang kiểm tra 5 mã vùng trồng (gần 85,5 ha).

Vườn sầu riêng trên địa bàn xã Ea Ngai (huyện Krông Búk). Ảnh: Minh Thuận

Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ H’Philip Niê Kdăm cho biết, thời điểm này, một số vùng đang bước vào vụ mùa thu hoạch sầu riêng Ri6, còn giống Dona thì khoảng một tháng nữa mới cho thu hoạch. Tuy nhiên, trước tình trạng “cò” sầu riêng làm nhiễu loạn giá khiến cho người dân hoang mang, Phòng đã có tham mưu cho UBND thị xã ra văn bản chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác kiểm soát với các cơ sở, đơn vị thu mua nông sản từ nơi khác đến; chỉ đạo cho các xã, phường chú trọng việc tuyên truyền, vận đồng người dân hợp tác với những doanh nghiệp có uy tín, năng lực để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.

Huyện Krông Năng là một trong những địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh, với diện tích hơn 5.700 ha. Ngay khi bước vào vụ thu hoạch, Phòng NN-PTNT huyện đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tập trung rà soát, tổng hợp, bám sát tình hình sản xuất, giá cả, thị trường tiêu thụ sầu riêng của địa phương để kịp thời triển khai những biện pháp vừa hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất đảm bảo nguồn cung hàng hóa, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hiện nay, Phòng NN-PTNT huyện đang tập trung hỗ trợ các hộ trồng sầu riêng xây dựng mã vùng trồng và thực hiện các mô hình VietGAP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sầu riêng xuất khẩu khi vào chính vụ.

Theo Sở NN-PTNT, để giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh trong vụ sầu riêng 2023, Sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp, HTX, cơ sở kinh doanh thu mua sầu riêng và các tổ chức, cá nhân có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn hỗ trợ nông dân sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ theo tiêu chuẩn quy định; có cơ chế thu mua phù hợp với phân hạng quả sầu riêng, không ép giá; liên kết thu mua sản phẩm sầu riêng cho nông dân thông qua hợp đồng kinh tế theo đúng quy định hiện hành. Đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu cần phải quản lý chặt chẽ đối với chất lượng của sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu, giữ uy tín trên thị trường…

Siết chặt an ninh ở các vùng trọng điểm

Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự trong mùa thu hoạch sầu riêng, UBND các huyện trọng điểm trồng sầu riêng của tỉnh đã có văn bản chỉ đạo công an các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" nhằm tuyên truyền, cảnh báo những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm nổi lên trong mùa thu hoạch sầu riêng; tăng cường tuần tra, kiểm soát ban đêm tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào những rẫy sầu riêng xa nhà dân; làm tốt công tác quản lý cư trú đối với doanh nghiệp, người lao động ở nơi khác đến địa bàn trồng, kinh doanh sầu riêng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua, tiêu thụ sầu riêng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, giả mạo mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Công an xã Ea Tul, huyện Cư M'gar thường xuyên tuần tra nhằm bảo vệ vườn cây cho người dân. Ảnh: Minh Thuận

Tại huyện Krông Búk, Chủ tịch UBND huyện đã yêu cầu Công an huyện rà soát, lập danh sách các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ để tiến hành quản lý, gọi hỏi răn đe, phòng ngừa tội phạm. Đồng thời, triển khai những biện pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm có biểu hiện hoạt động “bảo kê” trong quá trình trồng, thu hoạch, mua bán quả sầu riêng; chỉ đạo lực lượng hình sự và công an các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát ban đêm tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào khu vực rẫy sầu riêng xa nhà dân, những tuyến đường trọng yếu. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý cư trú, vận động người dân chấp hành tốt việc đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú khi thuê lao động đến huyện làm việc; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động thu mua, tiêu thụ sầu riêng, góp phần giữ vững uy tín, ổn định thị trường sầu riêng trên địa bàn huyện…

Tại "thủ phủ sầu riêng" của tỉnh là huyện Krông Pắc, hiện nay, ngoài việc hướng dẫn bà con chăm sóc tốt vườn sầu riêng đang bước vào giai đoạn thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, thì chính quyền địa phương cũng tăng cường công tác tuần tra bảo vệ các khu vực sản xuất của người dân; sử dụng hệ thống loa, đài tuyên truyền đến toàn thể bà con nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là, nhất là thời điểm sầu riêng chuẩn bị thu hoạch. Ngoài ra, nhiều hộ dân đã đầu tư thêm hệ thống đèn điện, camera giám sát để kịp thời phát hiện người lạ ra vào rẫy, chủ động liên kết với các nhà rẫy xung quanh hợp sức bảo vệ loại cây có giá trị kinh tế cao này.

Mai Minh Thúy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.