Multimedia Đọc Báo in

Tích cực chuẩn bị cho năm học mới 2023 – 2024

10:14, 31/08/2023

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là khai giảng năm học mới 2023 - 2024, ngành giáo dục cùng các địa phương đang hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng tâm thế cho ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Theo ngành giáo dục, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024 có nhiều nội dung phải hoàn tất trong thời gian các cơ sở giáo dục vừa nghỉ hè. Theo đó, ngay khi vừa kết thúc năm học 2022 - 2023, các trường nhanh chóng hoàn thành công tác xét duyệt hồ sơ, xét đánh giá, xếp loại học sinh… ở tất cả khối lớp, cấp học; thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp; khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất (sửa chữa, nâng cấp phòng học, hoàn thiện các công trình phụ)…

Công trình phòng học mới của Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột) đang được khẩn trương hoàn thành để phục vụ học sinh trong những tháng đầu năm học 2023 - 2024.

Năm học 2023 – 2024, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột) có 13 lớp với 377 học sinh, trong đó 96% học sinh dân tộc thiểu số. Năm 2023, nhà trường được đầu tư thêm 6 phòng học mới và hiện tại công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện để kịp đưa vào sử dụng trong những tháng đầu năm học này. Ngoài ra, các cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường cũng đã tổ chức dọn vệ sinh trong và ngoài lớp học; soạn sửa đồ dùng trang trí khai giảng; xây dựng phương án tổ chức dạy học cho học sinh bám sát thực tế và khung kế hoạch ngành giáo dục đưa ra. Hệ thống tường rào quanh trường được sơn, sửa (sửa chữa 30m tường rào hư hỏng); cây cối được phát quang, cắt tỉa gọn gàng, sạch sẽ; hệ thống quạt điện, đường dây điện, bóng điện, bàn ghế được bảo dưỡng, thay thế phần hư hỏng…

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng Sa Ly Niê chia sẻ, trường có 14 phòng học, nhà trường đã bố trí 13 phòng cho 13 lớp; phòng còn lại dùng để thực hiện tiết đọc thư viện cho học sinh toàn trường. Đây là năm học đầu tiên trường triển khai Tiết đọc thư viện (đọc sách, báo, tạp chí…) tại phòng học riêng để thực hành tăng cường tiếng Việt cho học sinh và phát triển văn hóa đọc từ trong nhà trường.

Trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Krông Năng) tu sửa trước thềm năm học mới.

Năm học mới này Trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Krông Năng) có 834 học sinh; 47 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trường có 19 phòng học (khối 10 có 7 phòng, khối 11 có 6 phòng, khối 12 có 6 phòng), 1 phòng thư viện, 2 phòng thực hành tin học, 3 phòng học bộ môn (bao gồm thiết bị của môn Vật lý, Sinh học, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Công nghệ, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng – an ninh). Qua rà soát cho thấy, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đáp ứng cơ bản yêu cầu dạy và học cho học sinh.

Toàn tỉnh hiện có hơn 35,6 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; trong đó có 7 tiến sĩ, 1.001 thạc sĩ, hơn 23 nghìn người trình độ đại học, số còn lại bảo đảm theo yêu cầu vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị. Cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đã được bồi dưỡng chính trị hè, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… để chuẩn bị cho năm học mới 2023 – 2024. Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Krông Năng) Lê Hữu Hải cho biết, các giáo viên của trường đã được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Đến nay, các giáo viên chủ nhiệm đã nhận lớp; nhà trường triển khai kế hoạch năm học đến từng học sinh thông qua giáo viên chủ nhiệm;…

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Kim Oanh, Sở đã yêu cầu các Phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục trực thuộc rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để có phương án tổ chức, điều hành hoạt động dạy và học phù hợp với thực tế. Theo đó, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực được thực hiện gắn với phương án, kế hoạch dạy và học của mỗi cơ sở giáo dục; công tác vệ sinh gắn với phương án phòng, chống dịch bệnh trong trường học nhằm xây dựng trường học an toàn để hoạt động dạy và học phát huy hiệu quả.

Năm 2023 toàn tỉnh sẽ đưa vào sử dụng mới 618 phòng học, 240 phòng học chức năng khác, 249 công trình phụ; sửa chữa hơn 1.300 phòng học, phòng chức năng… Tỷ lệ trang thiết bị tối thiểu đáp ứng khoảng 60% nhu cầu dạy và học theo quy định Bộ GD-ĐT đưa ra.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.