Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo những sản phẩm từ rác thải

08:19, 26/09/2023

Trong vài năm gần đây, phong trào tái chế rác thải nhựa đang được nhiều tổ chức, trường học trên cả nước triển khai và mang lại hiệu quả tích cực. Tại thị xã Buôn Hồ, đã có những bông hoa, khung ảnh, bức tranh, những bảng tuyên truyền độc đáo... được các em học sinh, đoàn viên, thanh niên tạo ra từ những thứ tưởng chừng đã bỏ đi.

Rác thải nhựa biến thành… đồ trang trí phòng học

Đến thăm Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, mọi người không khỏi bất ngờ khi những bông hoa, khung ảnh… dùng để trang trí lớp học là những sản phẩm tái chế từ rác thải. Đây là những sản phẩm được học sinh của trường tạo nên từ chính đôi tay của mình. Tại đây, lớp học tái chế được lồng ghép vào những buổi sinh hoạt kỹ năng để nâng cao nhận thức của học sinh trong việc bảo vệ môi trường, hướng dẫn các em sáng tạo nên sản phẩm độc đáo từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi.

Nhóm học sinh thỏa sức sáng tạo trong lớp học tái chế.

Những sản phẩm tái chế sẽ được sử dụng để trang trí lớp học, khuôn viên trường học, tạo môi trường học tập đầy động lực và thích thú cho các em. Sau những giờ học tái chế trên trường, em Đậu Hoàng Mỹ Vân (học sinh lớp 9A1) đã biết áp dụng vào cuộc sống khi thường xuyên dùng các phế phẩm từ nhựa tạo ra những bình hoa, chậu cây... Vân chia sẻ: “Em thấy lớp học tái chế rất bổ ích. Khi tham gia lớp học, em có thể thỏa sức sáng tạo để biến những thứ bỏ đi thành những đồ dùng mới, từ đó giúp bảo vệ môi trường”.

Theo thầy Vương Văn Lương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, việc sử dụng sản phẩm tái chế trong lớp học sẽ giúp học sinh thấy được ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các em sẽ được giáo dục kỹ năng và phát huy tinh thần sáng tạo của mình vào những sản phẩm tái chế này.

Lốp xe trở thành bảng tuyên truyền

Với sự sáng tạo, khéo léo của các đoàn viên, thanh niên phường An Bình (thị xã Buôn Hồ), những chiếc lốp xe cũ được sơn sửa và lắp đặt thành các bảng tuyên truyền về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông trực quan, sinh động.

Để có được những tấm biển báo bắt mắt, sinh động, đoàn viên, thanh niên sẽ xin lốp hỏng đem về vệ sinh và sơn màu xanh để làm khung. Mặt biển được làm bằng tấm nhôm sơn màu gắn cố định vào lốp. Chữ in màu trắng gắn logo Đoàn với các nội dung như: Vui lòng để rác đúng nơi và thời gian quy định; Chung tay xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp; Bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người; Không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; Đi chậm, chú ý quan sát; Chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ... Hiện nay, hơn 20 bảng tuyên truyền độc đáo này đã có mặt tại các tuyến đường như Nguyễn Tất Thành, Quang Trung, Lê Văn Hưu… ở thị xã Buôn Hồ, thu hút được sự chú ý của nhiều người dân.

Bảng tuyên truyền làm từ lốp xe được gắn trên các tuyến đường tại thị xã Buôn Hồ.

Anh Đỗ Văn Sơn, Phó Bí thư Đoàn phường An Bình chia sẻ: “Lốp xe được tái chế rất nhiều để tạo nên bàn uống nước, bồn hoa và nhiều sản phẩm hữu ích khác. Đoàn phường An Bình vừa muốn tập trung tuyên truyền cho người dân lại vừa bảo vệ môi trường nên đã nảy ra ý tưởng biến lốp xe thành biển tuyên truyền”.

Nhiều người dân tại đây cho biết, họ rất thích thú với những bảng tuyên truyền từ lốp xe. Khi thấy những biển báo này, người dân ý thức hơn trong việc chấp hành an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Bảng tuyên truyền bằng lốp xe không những độc đáo mà còn có độ bền cao, tiết kiệm chi phí.

Anh Nguyễn Phi Hùng, Phó Bí thư Thị Đoàn Buôn Hồ cho biết, trong thời gian tới, Thị đoàn sẽ nhân rộng nhiều hơn những mô hình tương tự để phát huy tốt vai trò của đoàn viên, thanh niên và học sinh trong bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả truyền tải thông điệp này đến người dân.

Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.