Multimedia Đọc Báo in

Hành trình vươn mình của vùng căn cứ Đắk Phơi

07:39, 04/09/2023

Trải qua bao khó khăn, gian khổ, vùng căn cứ cách mạng xã Đắk Phơi (huyện Lắk) đang vươn mình, mang một diện mạo khác biệt so với trước đây.

Vùng đất kiên cường

Vùng căn cứ cách mạng Đắk Phơi năm nào nay đã “thay da đổi thịt”. Nơi đây từng là cái nôi của cách mạng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từng bị vùi trong “mưa bom, bão đạn”.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những ngày tháng gian khó ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí ông Y Tro Rơ Yam, nguyên Bí thư Chi bộ buôn Đung (xã Đắk Phơi). Ông bồi hồi nhớ lại: Trong những năm tháng chiến tranh, đời sống người dân vô cùng cực khổ, lại luôn bị bom mìn đe dọa. Ngày ấy buôn Đung chỉ toàn rừng rậm, là nơi bộ đội đánh địch nên thường xuyên bị máy bay B52 dội bom.

Ngày càng nhiều những ngôi nhà khang trang trên vùng căn cứ cách mạng Đắk Phơi (huyện Lắk).

Còn đối với lão thành cách mạng Y Thân Long Dưng (SN 1950), xã Đắk Phơi luôn là vùng đất kiên cường. Ông cho biết, giai đoạn 1966 - 1976, dân căn cứ gọi vùng đất này là xã 1 và xã 2. Người dân chủ yếu là đồng bào M’nông sống tập trung trên các nguồn suối, làm nương rẫy cung cấp lương thực cho bội đội chiến đấu. Thuở ấy, bà con có thể phải ăn củ sắn, củ mài, nhưng vẫn cung cấp hàng tấn lương thực phục vụ kháng chiến. Có thời điểm, cái đói, bom đạn đã cướp đi mạng sống của rất nhiều người dân và cán bộ cách mạng. Thiếu thốn, gian khổ và đau thương là vậy, nhưng nhân dân nơi đây vẫn một lòng theo cách mạng đến ngày toàn thắng.

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, kết cấu hạ tầng đường sá, cầu cống, nhà cửa... bị bom đạn tàn phá, đất đai bị hoang hóa. Bà con vẫn giữ thói quen canh tác lạc hậu, trồng sắn, bắp, lúa là chủ yếu. Lúc ấy, ông Y Thân được điều đến làm Bí thư Đoàn xã mới bắt đầu tuyên truyền, đưa người dân sống trong rừng núi ra sinh sống và sản xuất. Đến năm 1995, ông cùng các cán bộ vận động, tuyên truyền người dân tại 24 thôn, buôn, với khoảng 8.000 nhân khẩu khai hoang ruộng đất, áp dụng kỹ thuật, thủy lợi để gieo trồng. Từ đó, đời sống kinh tế người dân bắt đầu chuyển biến, biết trồng thêm cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Vươn mình phát triển

Từ những nỗ lực của chính quyền và người dân trong chiến đấu và lao động, sản xuất, đến nay kinh tế - xã hội của xã Đắk Phơi đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai vào cuối năm 2010, cùng các nghị quyết, chuyên đề của Huyện ủy Lắk đã giúp đời sống người dân nâng lên đáng kể.

Cây cà phê được xem là loại cây chủ lực tại xã Đắk Phơi (huyện Lắk), giúp đời sống của người dân ngày càng khấm khá.

Hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng về giao thông, điện lưới, trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, cảnh quan môi trường… đã được quan tâm đầu tư khang trang, đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đặc biệt, để không ngừng nâng cao thu nhập và giảm nghèo hiệu quả, chính quyền địa phương đã thường xuyên vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Hoàng Thanh Bé, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi cho biết, hiện nay bà con chủ yếu phát triển kinh tế với hai lĩnh vực chính là trồng trọt và chăn nuôi. Xã thường xuyên tổ chức cho các hộ dân tham gia tập huấn về chăm sóc cây trồng, vật nuôi; tham quan, tiếp cận với các mô hình thực tế để áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Bằng cách làm này, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, từ canh tác lạc hậu, người dân đã biết tận dụng lợi thế khí hậu, đất đai để sản xuất hiệu quả các loại cây như cà phê, lúa nước, các loại hoa màu…

Nhờ vậy, tình hình kinh tế của địa phương đã có những kết quả nổi bật. Năm 2022, địa phương gieo trồng được 513 ha lúa, cho sản lượng 2.700 tấn; có 905 ha cà phê trong thời kỳ kinh doanh, với sản lượng gần 23.550 tấn… Thu nhập bình quân đầu người của xã được nâng lên đáng kể, đạt gần 20,8 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn trên 39%, nhưng cũng đã giảm được hơn 6% so với cuối năm 2022.

Sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trên vùng đất anh hùng đã gặt hái được thành quả. Tin tưởng rằng, với quyết tâm vượt khó không ngừng nghỉ ấy, thời gian tới, bức tranh kinh tế - xã hội của vùng căn cứ cách mạng Đắk Phơi sẽ càng thêm khởi sắc.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc