Multimedia Đọc Báo in

Nỗi ám ảnh mang tên “review”

06:09, 24/09/2023

Tối nay ăn gì?", "Hôm nay có món gì mới?...” là những câu hỏi cửa miệng của nhiều người khi hẹn nhau tụ tập ăn uống. Hiện nay, nhiều người thường tìm đến kênh review (đánh giá) để tìm kiếm sự gợi ý thông qua TikTok.

TikTok là nền tảng mạng xã hội mới phát triển trong những năm gần đây, với hình thức đăng tải là video ngắn gọn, hình ảnh sống động. Nếu được đầu tư công phu, cùng nội dung hấp dẫn thì người bình thường cũng có thể nổi tiếng nhờ một video triệu view (lượt xem). Chính vì vậy, nhiều TikToker (người sáng tạo nội dung qua kênh TikTok) đã lập tài khoản review đồ ăn để nổi tiếng. Tuy nhiên không phải clip review nào cũng chân thật, đúng với thực tế.

Những ngày qua, món "bánh đồng xu" xuất hiện tại TP. Buôn Ma Thuột đã nổi lên nhờ “cơn sóng” giới thiệu trên TikTok. Hình ảnh chiếc bánh vàng ươm ngập phô mai kéo sợi đã lôi cuốn các bạn trẻ là tín đồ bánh ngọt. Chỉ một ngày sau khi clip review trên TikTok thu hút được nhiều người xem, chiếc xe bán bánh vỉa hè trên Quảng trường 10/3 có rất đông người chen lấn để mua. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ đã thất vọng vì trót tin review. Chị Nguyễn Thị Thúy (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) nói: “Ngay sau khi xem xong clip review, tôi đã đi mua ăn thử, và thực tế không giống như giới thiệu. Bánh vừa ít phô mai vừa tanh mùi trứng rất khó ăn. Với 30 nghìn đồng cho một chiếc bánh nhỏ vừa bằng lòng bàn tay là rất đắt, không xứng đáng để ăn tiếp lần sau”.

Một TikToker quảng cáo cho cửa hàng kem Mixue trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Facebook

Anh Lê Linh (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) là một nhân viên văn phòng nên thường ăn trưa tại cơ quan. Anh cũng thường lên kênh TikTok xem review để đặt thức ăn. Theo anh Linh, thực tế nếu đặt 10 quán thì chỉ có 3 - 4 quán có chất lượng tương đối giống với clip giới thiệu.

Một trong những nguyên nhân khiến cho việc review không đúng với thực tế là do tính chất thương mại. Các dịch ăn uống, hàng quán muốn cạnh tranh, thu hút khách hàng thì cần đến việc chạy quảng cáo, PR (truyền thông). Theo khảo sát tại TP. Buôn Ma Thuột, hiện nay muốn chạy quảng cáo trên các trang Facebook liên tục phải mất hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, việc booking (thuê) các TikToker làm clip thì tùy theo độ nổi tiếng mà có giá dao động từ 2 - 5 triệu đồng/clip. Bởi vậy, kênh review đồ ăn được nhiều TikToker lựa chọn để kiến tiền. Được booking cho quảng cáo món ăn, dịch vụ nên họ sẵn sàng dành những lời khen “có cánh” cho nhà hàng.

Các clip của một TikToker tại TP. Buôn Ma Thuột thu hút hàng chục nghìn lượt xem. Ảnh: TikTok

Bên cạnh đó, để có nhiều lượt người theo dõi, có được nhiều hợp đồng giới thiệu sản phẩm, các TikToker review phải đầu tư xây dựng hình ảnh, nội dung clip. Họ lựa chọn nội dung mới bằng cách chạy theo “trào lưu” giới thiệu những quán ăn lạ, đồ ăn ngon thu hút nhiều người. Trong khi đó, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống có lượng khách đông, ổn định, không cần quảng cáo thường có tâm lý bất an khi các TikToker đến review. Một số chủ kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, mỗi lần thấy các TikToker ghé quán, họ rất áp lực bởi vừa phục vụ khách đông, vừa trả lời các câu hỏi liên tiếp của các TikToker. Nếu như không trả lời, làm phật ý họ, có thể ngày hôm sau sẽ có clip đăng tải về thái độ phục vụ của quán, ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh.

Để cái tên “review” không còn là nỗi ám ảnh, người xem kênh TikTok nên biết phân biệt video mang tính quảng cáo với giới thiệu đúng bản chất món ăn; tìm hiểu kỹ đánh giá của những khách hàng, không "chạy" theo đám đông. Bên cạnh đó, các TikToker cần làm việc bằng cái tâm của mình, không nên vì đã được thuê quảng cáo mà khen ngợi quá lời, cũng càng không nên vì không hài lòng với một cơ sở nào đó mà đưa lên những thông tin bịa đặt, đánh giá xấu về họ một cách chủ quan.

Huệ Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.