Multimedia Đọc Báo in

Tạo sự khích lệ, phát triển năng lực học tập của học sinh

08:13, 06/09/2023

Việc đổi mới giáo dục và đào tạo luôn thực hiện đồng thời giữa đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập đóng vai trò khích lệ, phát triển năng lực học tập của học sinh.

Đánh giá theo tiếp cận năng lực

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển năng lực người học, năm học 2023 – 2024, việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh tiếp tục áp dụng ở bậc Tiểu học (lớp 1 tới lớp 4), THCS (lớp 6 đến lớp 8), THPT (lớp 10, lớp 11); từ năm học 2024 – 2025 sẽ thực hiện ở tất cả các khối lớp.

Học sinh trung học tham gia Ngày hội STEM năm 2023.

Qua thực tế cho thấy việc đổi mới này ở bậc Tiểu học đã giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn khi tham gia các hoạt động học tập và rèn luyện ở lớp, ở trường. Các em đã đạt được căn bản những “năng lực cốt lõi”: năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo); năng lực đặc thù (ngôn ngữ, tính toán, khoa học, thẩm mỹ, thể chất); phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm).

Ở khối THCS, THPT thì giáo viên chú trọng hơn đến việc rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh trình bày, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả học tập của mình. Giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng; tăng cường các hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm trong nhà trường nhằm phát huy tính sáng tạo cho học sinh, tạo dựng môi trường khác nhau để học sinh được trải nghiệm nhiều nhất…

Tăng khả năng vận dụng kiến thức

Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, công tác kiểm tra, đánh giá tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, hướng tới phát triển năng lực toàn diện của người học.

Học sinh Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (huyện Krông Pắc) tham gia Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024.

Năm học 2023 – 2024 Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (huyện Krông Pắc) có 468 học sinh, trong đó học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 1 đến lớp 4) là 363 em. Cô Lê Thị Minh Hương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, việc đánh giá được thực hiện qua quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, nhất là tăng cường tiếng Việt đối với học sinh người dân tộc thiểu số; hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học. Giáo viên sử dụng phương pháp quan sát; đánh giá qua hồ sơ học tập, sự chuyên cần của học sinh, các sản phẩm cụ thể; vấn đáp; kiểm tra viết… Đặc biệt là trong đánh giá thành tích học tập, giáo viên sẽ chú ý đánh giá cả quá trình học tập; phát huy tính chủ động của học sinh trong việc tự đánh giá bản thân và đánh giá chéo lẫn nhau… Qua đó giúp học sinh nhận ra thế mạnh của bản thân; từng bước tạo dựng phong trào thi đua dạy tốt, học tốt từ chính nội lực của học sinh, giáo viên và nhà trường.

Đầu năm học 2023 – 2024, Sở GD-ĐT đã tổ chức lớp tập huấn xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra định kỳ theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh cho 700 cán bộ, giáo viên cốt cán trên toàn tỉnh.

Thầy Trần Mậu Hòa, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá trước hết phải vì sự tiến bộ của học sinh, tăng cường và coi trọng kiểm tra, đánh giá quá trình học tập; coi kiểm tra đánh giá như một hoạt động học tập; đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. Quá trình kiểm tra, đánh giá không được tạo áp lực khiến học sinh, lo lắng, mất tự tin mà phải tạo động lực để các em cố gắng, phấn đấu. Giáo viên của trường luôn thực hiện phối hợp các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá khác nhau; cố gắng phát hiện những tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ; kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ học sinh khi các em gặp khó khăn. Qua đó, giúp học sinh từng bước khắc phục khó khăn, phát huy ưu điểm và các tố chất riêng để các em ngày càng tiến bộ.

Cùng với việc đổi mới phương pháp, các trường học còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh thông qua sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử hay đơn thuần là trao đổi với phụ huynh thông qua các nhóm lớp trên mạng xã hội. Nhờ đó, công tác đánh giá, quản lý hồ sơ học sinh thuận tiện và chi tiết về tình hình học tập đối với từng em; tạo sự kết nối liền mạch, thường xuyên giữa giáo viên và phụ huynh trong suốt năm học để gia đình có thể đồng hành cùng nhà trường trong rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân cho học sinh ở môi trường học đường và ở nhà…

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.