Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ gia súc, gia cầm nhập lậu
Nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới vào Việt Nam đang là một vấn nạn nhức nhối, không những ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm đến các đàn gia súc, gia cầm, nhất là ở những địa phương gần biên giới.
Khó kiểm soát
Thời điểm này người chăn nuôi gia súc, gia cầm đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm cho dịp cuối năm. Nắm bắt được nhu cầu đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu con giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phức tạp.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng các địa phương đã ban hành hàng loạt văn bản, tổ chức nhiều đoàn công tác, hội nghị quán triệt, nhưng triển khai còn hạn chế, khiến việc ngăn chặn nhập lậu gặp rất nhiều khó khăn. Tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu 9 tháng năm 2023 có chiều hướng gia tăng mạnh, đặc biệt tại một số tỉnh trọng điểm như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Long An, An Giang… Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tổng hợp báo cáo của 13 tỉnh thành đã phát hiện 131 vụ; bắt giữ 159.979 động vật, 43.912 quả trứng và 116.183 kg sản phẩm động vật.
Cán bộ thú y huyện Cư Kuin phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn. |
Còn theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 – 250.000 tấn/năm; mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Bên cạnh đó, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như: bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.
“Ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, đứng vững, không để bị phá hoại từ bên ngoài. Do đó, đề nghị các lực lượng phối hợp chặt chẽ, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, không nói chung chung. Các cơ quan truyền thông tiếp tục đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong công cuộc đấu tranh, ngăn chặn, phát giác hoạt động buôn bán, nhập lậu gia súc gia cầm, con giống không rõ nguồn gốc để bảo vệ ngành chăn nuôi, doanh nghiệp, người sản xuất trong nước" - ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. |
Tại Đắk Lắk, thời gian qua, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm từ gia súc, gia cầm vẫn diễn ra khá phức tạp. Đơn cử gần đây nhất, vào ngày 17/3/2023, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời gần 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ như: thịt heo, xương đầu heo, chân giò, thịt bò đông lạnh, thịt đà điểu... chuẩn bị "tuồn" ra thị trường, đưa đi tiêu thụ. Cũng trong tháng 3/2023, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Đắk Lắk) cũng đã tạm giữ gần 3,5 tấn thực phẩm đông lạnh gồm: gà ủ muối, dồi sụn, mực một nắng, bạch tuộc… không rõ nguồn gốc. Mặc dù UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo về vấn đề này, tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm nhập lậu không được đánh giá nguy cơ dịch bệnh trước khi nhập khẩu, không được lấy mẫu xét nghiệm sạch bệnh và không tuân thủ các quy định về kiểm dịch nhập khẩu sẽ dẫn đến nguy cơ các bệnh động vật mới và các biến chủng vi rút ngoại nhập xâm nhập vào trong nước. Từ đó gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh động vật nguy hiểm do chưa có vắc xin hay những biện pháp phòng bệnh cho các bệnh/chủng vi rút ngoại lai, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh lây truyền giữa động vật và người là rất cao.
Cần có giải pháp đồng bộ
Trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi cả nước tăng trưởng 4,5 – 6%, ngành thủy sản tăng trưởng 4 - 8%. Quy mô và tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi với hơn 6 triệu hộ nông dân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của toàn ngành nông nghiệp. Riêng đối với Đắk Lắk, trong 9 tháng năm 2023, tình hình chăn nuôi của tỉnh được duy trì tương đối ổn định, với tổng đàn gia súc, gia cầm đạt gần 15 triệu con, tăng hơn 107.500 con so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thịt hơi ước đạt 189.160 tấn; sản lượng trứng các loại ước đạt 276 triệu quả. Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm khiến các loại dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam như: cúm gia cầm, với các chủng vi rút: A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8, đặc biệt các chủng vi rút này đã lây sang người (cả nước đã phát hiện 124 ca bệnh); bệnh tai xanh trên đàn lợn; bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc; bệnh dịch tả lợn châu Phi; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đều đã xuất hiện ở Đắk Lắk và gây bùng phát nhiều đợt dịch ở quy mô rộng, gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được các ổ dịch. Do đó, công tác chống buôn lậu, nhập lậu gia súc, gia cầm là vô cùng quan trọng, cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt.
Cán bộ thú y huyện Cư Kuin (bên trái) đến từng hộ chăn nuôi tuyên truyền về những nguy cơ từ các con giống gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. |
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, không kiểm soát tốt nhập lậu thì không thể kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là khi đa phần bệnh dịch trong chăn nuôi ở Việt Nam do truyền nhiễm từ nước ngoài vào. Cùng với đó sẽ kéo hệ lụy là không kiểm soát được an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa. Song hành với việc nhập khẩu, khâu kiểm soát nội địa cũng đóng vai trò quan trọng. Do đó, công tác kiểm tra biên giới và kiểm soát nội địa phải có sự phối hợp chặt chẽ. Các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo 389 đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng hành động thực chất thì chưa có sự quyết liệt.
Hiện nay, các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã có đầy đủ. Do đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Riêng các địa phương, cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thú y các cấp từ tỉnh đến thôn, buôn. Xây dựng lực lượng này thành một khối thống nhất, liên kết chặt chẽ và có trách nhiệm trước ngành, doanh nghiệp, người dân.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc