Chắp cánh khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên
Thực hiện Quyết định số 929/QĐ-LĐTBXH ngày 28/6/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 929), những năm qua Trường Cao đẳng Đắk Lắk đã triển khai các hoạt động khởi nghiệp, giúp HSSV vận dụng kiến thức trên giảng đường vào thực tế và gắn với định hướng nghề nghiệp tương lai.
Vận dụng hiệu quả lý thuyết vào thực tế
Tại Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp HSSV giáo dục nghề nghiệp năm 2023” do Trường Cao đẳng Đắk Lắk tổ chức đầu tháng 10 vừa qua có 9 đề án của 32 HSSV tham gia; trong đó có nhiều đề án vận dụng hiệu quả kiến thức chuyên môn ngành học và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, nhất là ở lĩnh vực chăn nuôi thú y.
Nhóm học sinh lớp Cao đẳng Thú y 22A và 22B trình bày Đề án “Thương mại hóa thức ăn thô xanh cho gia súc nhai lại bằng công nghệ ủ chua”. |
Đơn cử như Đề án “Vỗ béo bò gầy và thương mại hóa sản phẩm thịt bò chất lượng cao” của nhóm học sinh lớp Cao đẳng Thú y 22A đã vận dụng kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi bò vào thực tế. Điều này đã đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt bò chất lượng cao ngày càng tăng trên thị trường; đặc biệt là có thể linh hoạt triển khai từ quy mô nông hộ đến trang trại, thậm chí thành lập công ty theo chuỗi sản xuất, kinh doanh từ vỗ béo bò đến thương mại, cung ứng thịt bò thành phẩm ra thị trường nên tính khả thi cao.
Em Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng nhóm đề tài tự tin bày tỏ, nhiều nông dân vẫn đang chăn nuôi theo kinh nghiệm mà thiếu kiến thức về dinh dưỡng, dịch bệnh và thuốc điều trị nên với kiến thức lĩnh hội được trên giảng đường, nhóm dễ dàng thực hành thực tế tại địa phương trên phương diện hành nghề kỹ sư chăn nuôi kết hợp với phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi tại địa phương.
Lợi thế đề án là giá trị dinh dưỡng, thương mại giữa bò gầy và bò đã vỗ béo chênh nhau rất lớn; tốc độ tăng trọng của bò gầy rất cao khi được đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng nhờ “quy luật sinh trưởng bù”; nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt bò sạch, chất lượng ngày càng gia tăng…
Đề án 929 hướng đến mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp; nâng cao năng lực cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. |
Tương tự, Đề án “Thương mại hóa thức ăn thô xanh cho gia súc nhai lại bằng công nghệ ủ chua” của nhóm học sinh lớp Cao đẳng Thú y 22A và 22B cũng được đánh giá cao vì có khả năng triển khai trong thực tế.
Theo đó, phương pháp ủ chua thức ăn xanh là quá trình lên men trong điều kiện yếm khí để ức chế các hoạt động của vi khuẩn nên thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao (cung cấp năng lượng, các loại vitamin, khoáng chất), có thể bảo quản lâu dài để bổ sung vào mùa khan hiếm thức ăn (mùa khô) cho vật nuôi.
Em Phạm Thị Lan Trinh, thành viên nhóm thực hiện đề tài chia sẻ, nguyên liệu chế biến thức ăn ủ chua rất phổ biến (cỏ tươi, ngọn mía, rơm, bắp, cám gạo, muối, rỉ mật…) và nhóm đã tạo ra sản phẩm cụ thể, sử dụng vào thực tế tại gia đình. Còn phương án thương mại thì thức ăn ủ chua có thể bán trực tiếp cho trang trại, đại lý bán thức ăn chăn nuôi, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ…
Hỗ trợ sinh viên nâng tầm đề án khởi nghiệp
Theo Trường Cao đẳng Đắk Lắk, qua 4 năm triển khai Đề án 929, HSSV của trường đã triển khai được 45 đề án liên quan đến khởi nghiệp, trong đó có nhiều đề án đạt giải cấp tỉnh, toàn quốc. Để nâng cao chất lượng hoạt động khởi nghiệp cho HSSV, năm nay nhà trường đã mời doanh nhân trẻ, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo làm thành viên của Ban giám khảo cùng với nhà trường đánh giá, nhận xét, thảo luận, góp ý nhằm hỗ trợ HSSV hoàn thiện đề án, hoàn thiện sản phẩm.
Trong đó, Ban giám khảo đặc biệt lưu ý ở khâu: trình bày; lộ trình thương mại sản phẩm; tính toán lợi nhuận; đưa ra các rủi ro có thể gặp phải khi triển khai đề án trong thực tế; cách đặt tên đề án, sản phẩm thu hút sự quan tâm của xã hội...
Đại diện 9 nhóm thực hiện đề tài nhận chứng nhận tham gia Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2023”. |
Anh Trần Doãn Tới, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, thành viên Ban giám khảo nhận xét, điểm nổi bật của cuộc thi là các đề án đã thể hiện rõ sự gắn liền giữa ngành học với quá trình khởi nghiệp, việc làm sau khi ra trường của HSSV. Nhiều đề án có sản phẩm cụ thể rất thuyết phục như thịt bò tươi, bò một nắng, thức ăn ủ chua…
Các sản phẩm trưng bày tại cuộc thi là kết tinh kiến thức, trí tuệ của thầy và trò trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học. Điều đó cho thấy phong trào khởi nghiệp đang đi đúng hướng từ ý tưởng sang thực tế, giúp HSSV định hình con đường nghề nghiệp của mình sau khi ra trường.
Về dự định tương lai, ông Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đắk Lắk chia sẻ, cuộc thi là thành quả của việc "học đi đôi với hành"; giúp HSSV, giáo viên cọ xát với thực tế, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của trường. Điều này phù hợp với định hướng chung là đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu xã hội, vị trí việc làm và nhu cầu thực tế của cuộc sống.
“Nhà trường sẽ phối hợp với các chuyên gia về khởi nghiệp, tài chính, doanh nghiệp và phân công giáo viên tiếp tục hướng dẫn, đồng hành cùng HSSV nhằm nâng tầm các đề án khởi nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hơn”, ông Cương nhấn mạnh.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc