Chuyện “4 cùng” của lính biên phòng
Thực hiện nhiệm vụ ở vùng biên còn nhiều khó khăn, những người lính quân hàm xanh không chỉ chắc tay súng bảo vệ biên cương, mà còn hiện thực hóa phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng biên.
Chung sức phát triển kinh tế - xã hội
Khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk có 4 xã với 38 thôn, buôn, thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Nơi đây có khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, chiếm trên 55%. Bám sát địa bàn, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là xây dựng các mô hình, việc làm để cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận thấy vùng biên Ea Bung (huyện Ea Súp) có hệ thống thủy lợi, ao hồ nhiều, phân bố rộng, năm 2020, Đồn Biên phòng Yok M’Bre triển khai mô hình nuôi cá thát lát cho người dân. Anh Nguyễn Văn Đức (thôn 10) được lựa chọn thử nghiệm với khoảng 1.000 con giống; trong đó, bộ đội hỗ trợ 50% giống và thức ăn.
Mô hình nuôi cá thát lát của Đồn Biên phòng Yok M’bre hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. |
Anh Nguyễn Văn Đức phấn khởi: “Năm đầu nuôi cá còn bỡ ngỡ, lo lắng, nhưng sang năm thứ hai thì gia đình đã thu về lợi nhuận 60 triệu đồng. Hiện chúng tôi đang được BĐBP hỗ trợ thả lứa cá thứ 3, với hơn 4.000 con giống, dự kiến vào dịp Tết nguyên đán 2024 sẽ cho thu hoạch”. Nhân rộng mô hình này, Đồn Biên phòng Yok M’Bre đang hỗ trợ 2 hộ gia đình và tiếp tục khảo sát nhằm giúp đỡ thêm hộ thứ 3 có thêm sinh kế để phát triển kinh tế bền vững.
Cùng với nuôi cá thát lát, có rất nhiều mô hình trên địa bàn vùng biên mang đậm dấu ấn người lính quân hàm xanh như: nuôi bò sinh sản, heo lai thương phẩm F2, nuôi vịt trời…
“Tích cực bám nắm địa bàn, thường xuyên chia sẻ khó khăn, vui, buồn với bà con nên nhân dân rất tin tưởng bộ đội. Đây cũng là nguồn động viên, khích lệ để người lính tiếp tục nghiên cứu, phát triển và lan tỏa các mô hình, việc làm hay để giúp dân phát triển kinh tế - xã hội trên vùng đất khô cằn” - Đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh. |
Song hành với chăm lo phát triển kinh tế cho bà con, BĐBP còn triển khai nhiều mô hình giúp dân trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, đời sống tinh thần. Năm 2016, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê triển khai mô hình “Thắp sáng đường quê” trên tuyến đường huyết mạch thuộc thôn 1, xã Ea Bung. Từ đó đến nay, mô hình luôn phát huy tác dụng trong việc bảo đảm an toàn đi lại cho các phương tiện, giữ gìn an ninh trật tự, kiềm giảm tình trạng trộm cắp vặt. Từ hiệu quả của mô hình điểm này, đến nay xã biên giới Ea Bung đã nhân rộng công trình thắp sáng đường quê trên tất cả các trục đường chính của xã.
Chăm lo cho học sinh vùng biên
Năm học mới bắt đầu, cũng là thời điểm những "người bố" quân hàm xanh tất bật lo toan sách vở, quần áo mới cho các con nuôi của mình. Con nuôi thuộc chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” được BĐBP tỉnh thực hiện từ năm 2019.
Trong bốn người con nuôi của BĐBP, em Đinh Tiến Lợi (học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Thị Định) là trường hợp duy nhất sinh sống ngay tại Đồn Biên phòng Ia R’vê cùng các bố (các con nuôi còn lại đều sinh sống ở đội công tác địa bàn). Sinh ra trong gia đình có năm anh chị em, Lợi là con út của chị Nông Thị Cần, nhà ở thôn 5, xã Ia R’vê. Bố mất từ khi em còn rất bé, mẹ không việc làm ổn định, lại bị bệnh tim nên việc có bố nuôi là niềm hạnh phúc lớn đối với Lợi. Bù đắp những thiếu thốn về vật chất, tinh thần cho cậu bé, các bố Hoàng Văn Tuấn (Phó đội trưởng Đội Vũ trang), Đặng Văn Trần (nhân viên Đội Vận động quần chúng) thay phiên nhau chăm sóc, đưa đón em đến trường, kèm cặp học tập, luyện rèn Lợi theo kỷ luật giờ giấc, khoa học. Nhờ đó, Lợi tiến bộ rất nhanh về cả thể trạng, sức khỏe, lẫn tinh thần tự lập…
Bộ đội biên phòng tham gia giao lưu văn hóa với bà con vùng biên. |
Đặc biệt chú trọng chăm lo cho học sinh vùng biên, hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong bộ đội biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu 39 học sinh theo chương trình “Nâng bước em tới trường” mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/em/tháng. Cùng với chương trình này, hiện trên địa bàn biên giới có 325 học sinh đang được hỗ trợ theo Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Để tiếp thêm động lực cho các em, từ đầu năm đến nay, BĐBP tỉnh còn phối hợp tặng 44 suất học bổng, 75 chiếc xe đạp, 43 bộ dụng cụ học tập, 43 bộ quần áo cho học sinh; phối hợp vận động hơn 100 học sinh bỏ học trở lại trường; hỗ trợ xây dựng 4 tủ sách với 250 đầu sách các loại phục vụ học sinh và bà con nhân dân.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc