Hãy “trồng thật nhiều cây xanh”!
Vài năm nay, đô thị xanh đã trở thành câu chuyện đầy cảm hứng của các đô thị Việt Nam. Đô thị xanh cũng là chủ đề được bàn luận sôi nổi ở TP. Buôn Ma Thuột và các đô thị vùng Tây Nguyên.
Dù còn nhiều chuyện phải xem lại về “phong trào đô thị xanh”, nhưng dù sao ý thức về sự chuyển đổi theo xu hướng văn minh vẫn là điều rất đáng mừng. Bởi lẽ, muốn có một đô thị xanh đúng nghĩa là đô thị sinh thái thì phải khởi đầu từ ý niệm xanh, ý thức xanh. Từ đó mới có thể xây dựng được đô thị xanh.
Đô thị xanh (green city), theo định nghĩa của các chuyên gia đô thị, phải được phát triển trên nền tảng: sinh thái, tính bền vững và thông minh. Trước hết, nó phải bắt đầu từ một đô thị sinh thái (eco-city), ở đó thiên nhiên giữ vai trò chủ đạo. Đô thị xanh phải là đô thị phát triển bền vững (sustainable city), với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên và ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu. Đô thị này phải đạt đến cấp độ một thành phố thông minh (smart city) bằng cách tích hợp công nghệ thông tin vào việc quản lý, điều hành và phục vụ dân sinh.
Biệt điện Bảo Đại Đắk Lắk rợp bóng cây xanh. Ảnh minh họa: Hữu Nguyên |
Lý thuyết thì vĩ mô như vậy, nhưng thực hiện thì bằng những việc làm cụ thể, khả thi, thậm chí nên bắt đầu bằng những việc rất đơn giản, như nhặt một cọng rác, trồng một cây xanh. Quả vậy, nếu mỗi người dân TP. Buôn Ma Thuột mỗi năm trồng ít nhất một cây xanh; sau 10 năm, thành phố sẽ có thêm gần 4 triệu cây xanh, nhiều hơn 150 lần số cây xanh đô thị mà thành phố hiện đang có (25.750 cây).
Đầu tiên là trồng cây trong vườn nhà mình. Tiếp đó là trồng cây ở công sở, trường học, cơ quan làm việc của mình. Cây đường phố và công viên thì phải trồng theo quy hoạch, kế hoạch. Nên thành lập Quỹ Cây xanh Buôn Ma Thuột để người dân và du khách đóng góp. Công ty Cổ phần đô thị và môi trường Đắk Lắk tổ chức cho người dân trồng chính cái cây do họ đóng góp, tại đường phố, công viên nơi họ đang sinh sống. Như vậy, họ sẽ còn được tham gia chăm sóc, bảo vệ cây xanh và tận hưởng thành quả đóng góp của mình.
Du khách đến Buôn Ma Thuột, hãy mời họ trồng một cây xanh, ghi tên họ vào sổ lưu trữ với một số hiệu của cây xanh do du khách đó trồng, để khách quay lại thăm cây do họ trồng. Nếu họ muốn thì có thể tiếp tục đóng góp vào Quỹ Cây xanh Buôn Ma Thuột để chăm sóc cây xanh đó. Chỉ mươi năm sau, cây sẽ xòe cành, khép tán. Lúc đó, con cháu họ sẽ đến Buôn Ma Thuột để du lịch và thăm cái cây do bố mẹ mình trồng, và tiếp tục trồng thêm cây khác...
Làm như thế, TP. Buôn Ma Thuột không chỉ có thêm gần 4 triệu cây xanh sau mười năm, mà cả hàng triệu cây và con số đó sẽ sinh sôi nảy nở thành cả rừng cây bạt ngàn.
Hãy nghĩ thêm những ý tưởng thật hay để việc trồng cây xanh ở TP. Buôn Ma Thuột mang sắc màu riêng biệt, thành niềm tự hào của người dân và hấp dẫn du khách. Nét đặc sắc đó thể hiện ở giống cây trồng, về nghệ thuật trồng cây, về địa điểm trồng cây thật ý nghĩa; không chỉ cây bóng mát mà cả cây cho hoa, tạo dáng; có thể di thực cây đẹp từ rừng về hoặc từ các nơi trong ngoài nước...
Khi đảo quốc Singapore bắt đầu lập quốc (1959), việc lớn mà Thủ tướng Lý Quang Diệu quyết làm là: cải thiện môi trường và cảnh quan. Trong hồi ký “Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất”, Lý Quang Diệu cho biết ông tin rằng hình ảnh Singapore sẽ không lẫn vào các nước thế giới thứ ba (là các nước đang phát triển ở các châu Á, Phi, Mỹ Latinh), chỉ bằng cách đơn giản là “trồng thật nhiều cây xanh”.
Chỉ 64 năm sau ngày độc lập, từ một quốc gia nhỏ bé thuộc “thế giới thứ ba”, đến lúc này Singapore đã là một quốc gia thịnh vượng, thuộc “thế giới thứ nhất”, tức là quốc gia có nền kinh tế mạnh, trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ và người dân có mức sống cao. Kết quả đó chắc hẳn là phải có sự đóng góp quan trọng của việc “trồng thật nhiều cây xanh” từ thuở ban đầu.
Minh Tự
Ý kiến bạn đọc