Multimedia Đọc Báo in

Bất an tuyến đường sạt lở

07:57, 05/11/2023

Dù đưa vào sử dụng chưa lâu, nhưng lần thứ hai liên tiếp, tuyến đường tỉnh 687 (Tỉnh lộ 7) qua địa bàn huyện Lắk xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023, một số vị trí trên tuyến Tỉnh lộ 7 đoạn qua xã Buôn Triết (huyện Lắk) bị sạt lở, sụt lún. Quan sát trên tuyến đoạn tiếp giáp giữa thôn Buôn Tung 2 và thôn Kiến Xương, nền, mặt đường, mái taluy âm xuất hiện vết nứt lớn, sụt lún sâu; đất, đá tràn xuống khu vực ruộng của người dân. Tại phạm vi Km17+540 bên phải tuyến vị trí sụt lún, sạt lở lấn vào mặt đường bê tông nhựa khoảng 1 m, kéo dài khoảng 20 m, bề rộng vết nứt 40 - 90 cm, mặt đường bị lún sâu 120 - 180 cm. Tại phạm vi Km17+875, mặt đường bê tông nhựa xuất hiện vết nứt dọc kéo dài khoảng 20 m, vết nứt rộng 1 - 2 cm; mặt đường tại vị trí tiếp giáp vết nứt bị lún, lõm, rộng 1 m.

Vị trí sạt lở Tỉnh lộ 7 đoạn qua thôn Buôn Tung 2, xã Buôn Triết (huyện Lắk).

Bà Nguyễn Thị Phượng, người dân thôn Buôn Tung 2 (xã Buôn Triết) cho biết, đoạn đường trước nhà bà bị sạt lở cả tháng nay nhưng chưa thấy cơ quan chức năng khắc phục, xử lý. Hằng ngày đi lại trên tuyến đường này đều nơm nớp lo sợ tai nạn. Vị trí này nằm ở góc cong cua, tầm nhìn hạn chế, lại thêm sạt lở, sụt lún nghiêm trọng trong những ngày qua khiến người dân ai cũng cảm thấy bất an. Tối đến cứ nghe tiếng động mạnh ngoài đường là lại giật mình, phải chạy ra ngoài để xem có ai bị tai nạn hay không. Vị trí sạt lở hiện tại tiếp giáp với khu vực ruộng lúa của gia đình bà Phượng, do vậy bà mong cơ quan chức năng sớm khắc phục, sửa chữa để người dân đi lại an toàn, nhất là vụ sản xuất đông xuân sắp đến.

Ông Nguyễn Văn Linh, thôn Kiến Xương (xã Buôn Triết) chia sẻ, năm ngoái cũng vào cuối tháng 7 đầu tháng 8, Tỉnh lộ 7 đoạn qua địa bàn xã bị sạt lở và đã được cơ quan chức năng khắc phục, sửa chữa. Đầu tháng 10 năm nay, ở gần vị trí sạt lở năm ngoái xuất hiện vết nứt, ông cùng một số người dân trong thôn đã lấy cành cây dựng lên để cảnh báo cho phương tiện và người dân lưu thông biết, đồng thời báo sự việc với ban tự quản thôn. Vị trí sạt lở ở khúc cua nên rất nguy hiểm, vì diện tích mặt đường còn lại rất nhỏ. Ông mong chính quyền địa phương các cấp, đơn vị quản lý đường sớm có giải pháp sửa chữa để bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện.

Điểm sụt lún, sạt lở lấn vào mặt đường khoảng 1 m.

Theo Chủ tịch UBND xã Buôn Triết (huyện Lắk) Bùi Mạnh Hải, Tỉnh lộ 7 là tuyến đường huyết mạch nối xã Buôn Triết với xã Quảng Điền (huyện Krông Ana). Đây là tuyến đường rất quan trọng đối với việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân hai huyện. Riêng với xã Buôn Triết, chỉ tính diện tích lúa nước gieo trồng hằng năm trên 2.000 ha nên nhu cầu vận chuyển phân bón, nông sản của bà con rất lớn. Vì vậy, nếu vị trí hư hỏng không sớm được khắc phục, sửa chữa sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao, cũng như ảnh hưởng đến việc vận chuyển phân bón, nông sản của bà con, nhất là khi vụ sản xuất đông xuân đã cận kề.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Giao thông vận tải cho biết, Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 7 có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, chiều dài hơn 12 km; dự án được khởi công vào tháng 11/2019, nghiệm thu hoàn thành ngày 14/12/2021. Sau khi nắm thông tin, Sở đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương kiểm tra hiện trường các vị trí hư hỏng, sạt lở cục bộ trên tuyến. Đồng thời dựng rào chắn, lắp đặt đèn chớp để cảnh báo người dân và phương tiện chú ý giảm tốc độ, đề phòng tai nạn xảy ra.

Theo phương án thiết kế đoạn tuyến qua khu vực sạt lở và sụt lún được xây dựng cơ bản bám theo đường cũ, chiều cao đắp không lớn, không gia cố mái taluy. Trong quá trình triển khai dự án, nhận thấy đoạn từ khoảng Km17 đến cuối tuyến (phía bên phải tuyến) thường bị ảnh hưởng của nước dềnh từ các đợt mưa lũ, chủ đầu tư đã bổ sung gia cố mái taluy tại 5 vị trí có nguy cơ bị sạt lở (trong đó có phạm vi Km17+875) bằng nguồn phí dự phòng của dự án. Còn tại vị trí Km17+540 cũng thường xuyên bị ảnh hưởng nước dềnh mùa mưa lũ nhưng chưa được gia cố nên bị sụt lún và sạt lở, hiện đang có nguy cơ sụt lún, sạt lở thêm.

Trước thực trạng trên, Sở Giao thông vận tải đã có báo cáo tình hình thực tế và đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương để Sở tổ chức kiểm định các điểm hư hỏng tại vị trí Km17+540, Km17+875 và các vị trí khác (nếu có phát sinh thêm hư hỏng) thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp và kéo dài Tỉnh lộ 7 để đánh giá chất lượng, nguyên nhân hư hỏng công trình. Về kinh phí thực hiện kiểm định xây dựng, đề nghị tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải tham mưu.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.