Multimedia Đọc Báo in

“Giá đỡ” an sinh giúp lao động tự do an tâm tuổi già

07:13, 14/11/2023

Hơn 15 năm triển khai, với nhiều tính ưu việt, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho lao động tự do, được xem là “giá đỡ” giúp họ an tâm khi tuổi già.

Tích lũy khi trẻ

Khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định và được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù hợp với thu nhập của bản thân. Ngoài chính sách chung, một số địa phương trên phạm vi cả nước còn hỗ trợ thêm từ ngân sách cho người tham gia, nhờ đó số tiền thực đóng BHXH tự nguyện của người dân tại các địa phương sẽ thấp hơn mức đóng chung. Do vậy, BHXH tự nguyện được nhiều lao động tự do, người có thu nhập thấp tin tưởng và tham gia.

Chị Nguyễn Thị Lê, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) đã tin tưởng và tham gia bảo hiểm xã hội gần 9 năm nay.

Đã gần 9 năm chị Nguyễn Thị Lê (trú xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) tham gia BHXH tự nguyện. Bản thân làm nông, nhưng qua tìm hiểu qua các kênh báo, đài chị biết được những chính sách thiết thực của BHXH tự nguyện. Đầu năm 2015, sau khi được nhân viên của BHXH huyện Cư Kuin tư vấn, chị đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Chị Lê chọn mức đóng 500.000 đồng/tháng, mức này không lớn nhưng cũng không phải là nhỏ so với người làm nông như chị. Song nhờ cách đóng linh hoạt nên những lúc khó khăn, chị sẽ đóng theo tháng; sau mùa thu hoạch cà phê hoặc hồ tiêu, chị lại chọn đóng theo hình thức 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. Thời gian tới, khi điều kiện kinh tế gia đình ổn hơn, chồng chị cũng sẽ tham gia BHXH tự nguyện, để khi về già hai vợ chồng không phải phụ thuộc vào con cái.

Vui khỏe khi về già

Từ những khoản chắt chiu nhỏ hằng tháng đóng BHXH tự nguyện, nhiều lao động tự do trên địa bàn tỉnh đã được hưởng lương hưu, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, tuổi già không lệ thuộc con cháu.

Hơn 3 năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1962, trú thôn Tiến Phú, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) được nhận lương hưu theo quy định của Nhà nước. Dẫu mức lương không cao, nhưng đó là nguồn thu nhập quý báu đối với bà ở tuổi xế chiều. Bà Thanh bộc bạch, năm 2009, từ sự tư vấn của chồng (là cán bộ công tác trong ngành BHXH), bà quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Vốn làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ, đều đặn hằng tháng, bà dành một phần tiền lãi để đóng BHXH tự nguyện, coi như đó là "của để dành" khi về già. Với mức lương tại thời điểm hiện tại là 2 triệu đồng/tháng, bà cảm thấy rất vui vì không phải phụ thuộc vào con cháu. Ngoài ra, bà còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế nên rất yên tâm khi đau ốm.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Cư M'gar (bên phải) tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tại hộ bà Nguyễn Thị Thanh, xã Quảng Tiến (huyện Cư M'gar).

Ông Võ Xuân Thắng (SN 1961, trú thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) từng là cán bộ công tác tại UBND xã Quảng Tiến. Năm 2019, ông nghỉ việc nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu theo quy định. Thay vì nhận BHXH một lần, ông quyết định tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện. Mức lương hưu hiện tại gần 2,4 triệu đồng/tháng tuy không lớn nhưng giúp ông có nguồn chi phí để trang trải cuộc sống hằng ngày. Với những người ở lứa tuổi như ông Thắng, việc được nhận lương hưu hằng tháng, dù ít dù nhiều vẫn là điều hạnh phúc. Bởi tuổi này, việc lo cho con cái đã xong, trong khi bản thân không lao động được nữa thì nguồn tiền lương này giúp ông chủ động trong việc chi tiêu, không phụ thuộc vào con cháu. Ông rất hài lòng về các chính sách, tính ưu việt của BHXH tự nguyện. Ngoài hình thức đóng linh hoạt, hiện nay nhận lương hưu cũng được chuyển trực tiếp qua tài khoản ngân hàng nên không mất thời gian đi ký nhận như trước đây.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có 17.453 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm 978 người so với cuối năm 2022, chưa đạt mục tiêu đặt ra. Thời gian tới, ngành BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể và địa phương tăng cường tiếp cận người dân để tuyên truyền, triển khai chính sách BHXH tự nguyện. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các kênh truyền thông của BHXH tỉnh để người dân nắm rõ những chính sách ưu việt của BHXH và tự nguyện tham gia.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.