Học từ trường học, trường đời
Nhiều bài học bổ ích có trong những trang sách, từ chương trình giáo dục phổ thông nhưng cũng có nhiều bài học quan trọng trong đời lại không đến từ trường, lớp.
Mãi sau này, sau nhiều năm rời ghế nhà trường tôi mới ngộ ra, trường học dạy những kiến thức cơ bản, dạy cho ta những thứ người khác muốn ta biết nhưng trường đời lại dạy những thứ ta cần. Điều đó có nghĩa những kiến thức được học tại trường chỉ có thể làm nên một “mảnh nhỏ” của hạnh phúc cho cuộc đời mỗi người. Cuộc sống cần nhiều “mảnh ghép” khác ngoài sách vở. Vì vậy, sự học không bao giờ dừng lại sau khi đã rời ghế nhà trường, mà cần được duy trì, tiếp diễn để giúp xây dựng cuộc sống hạnh phúc hơn.
Sự học bắt đầu từ nền tảng cơ bản khi còn ngồi trên ghế nhà trường. |
Nhưng từ trang vở đến trường đời thì quả thật là bước vào thế giới khác. Trường học là những câu chữ lý thuyết, còn trường đời là thực tế đã nếm trải, thậm chí phải “trả giá” đắt để có được một bài học cho mình. Những thử thách mà trường đời mang lại cho chúng ta còn khó khăn gấp vạn lần những con số, bài toán có trong trường học.
Trường đời không có một công thức chung cho nhiều người áp dụng. Mà quan trọng phải học từ kinh nghiệm của người đi trước, học từ thành công, học cả thất bại và thậm chí, học từ những nỗi đau đã nếm trải... Khi bước ra trường đời, mỗi người sẽ tự nhận ra nhiều thứ từ trải nghiệm thực tế của bản thân và thiện chí tiếp thu kinh nghiệm từ người đi trước để làm “hành trang” cho mình. Vì thế nên mỗi người phải học để thích nghi với sự đổi thay, để làm chủ cảm xúc, cuộc đời mình. Điều này nói ra thì dễ nhưng thực tế không dễ có được, phải đến khi lớn lên, bươn chải với đời, thì mới học được chúng.
Trường học dạy mỗi người kiến thức cơ bản để bước vào đời, còn trường đời là trải nghiệm thực tế mới học được. |
Cuộc đời của mỗi người không dễ gì được bằng phẳng, suôn sẻ; không lao động dễ gì có niềm vui; không nếm trải dễ gì có kinh nghiệm nhưng không vận dụng theo lý thuyết suông mà phải áp dụng thực tế. Trong cuộc đời mênh mông rộng lớn, trường đời đã dạy cho chúng ta sự can đảm, tôi luyện thêm ý chí, từ đó mỗi người phải tự biết “dạy” mình sau mỗi lần thất bại, sau mỗi tổn thương. Để từ đó, học cách bình tĩnh và điều khiển cảm xúc cá nhân, học cách bình thản hơn để đón nhận mọi thứ, kể cả những điều không như ý.
Tôi có người bạn gái, khi chia tay với mối tình đầu đã đặt rất nhiều kỳ vọng, bạn kể, ấy là lúc bạn hiểu ra rằng, tình yêu không chỉ có sự quan tâm và lãng mạn như trong những vần thơ, câu chuyện ngôn tình. Nó liên quan đến nền tảng của nhiều kỹ năng khác trong mối quan hệ “tương sinh” như cách giữ gìn một mối quan hệ, cách chịu trách nhiệm với bản thân, với chính cảm xúc của mình.
20 tuổi, chị bạn đồng nghiệp của tôi mất đi người thân yêu nhất của cuộc đời mình. Trên chiếc băng ca ở bệnh viện chở theo nỗi đau mất mát, chị chia sẻ, đó lúc chị sâu sắc nghiệm ra rằng: “Sách vở dạy ta cách để yêu thương nhưng trường đời sẽ dạy cho thấu giá trị của tình thương khi chúng ta đã đánh mất, và chỉ riêng việc nói lời yêu thương cũng không nên… tiết kiệm”. Từ nỗi đau khôn xiết, chị tiếp tục phải học cách chấp nhận, vì cuộc đời luôn phải tiếp diễn.
Năm 27 tuổi, tôi bắt đầu làm mẹ. Dạy một đứa trẻ có lắm lúc ương bướng, không nghe lời, tôi không tránh khỏi sự cau có, bực dọc, nói ra những lời trách cứ. Khi nguôi ngoa cơn giận, ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi thấy mình thật “xấu xí” và... “xấu tính” bởi suy cho cùng, đây là “sản phẩm” giáo dục của chính mình mà ra. Tôi suy nghĩ nhiều về bản thân và “sốc” lại cảm xúc của mình, thay vì dễ dàng tức tối, tại sao tôi không nhìn nhận sự việc từ một góc nhìn khác để từ tốn, bình tĩnh hơn. Điều tưởng dễ nhưng phải trải thực tế “mệt mỏi”, tôi mới “học” được cách để dạy con biết nghe lời.
Đó là những kỹ năng có được mà trên lý thuyết sách vở đã nói nhiều, song không dễ áp dụng vào thực tiễn, chỉ đến khi phải trải nghiệm, phải từng “ê chề, xót xa” thì mỗi người mới đúc rút ra được. Đó là con đường ngoằn nghoèo và liên quan đến nền tảng của nhiều mối quan hệ, kỹ năng khác mà phải trải nghiệm, “học” trên trường đời mới có.
Do vậy, dù ở trường học hay trường đời, mỗi người phải luôn không ngừng học tập, học nghiêm túc. Học để trang bị kiến thức cơ bản, học để thích ứng với cuộc sống, với sự thay đổi, học để làm chủ cảm xúc, cơ hội và làm chủ cuộc đời mình.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc