Multimedia Đọc Báo in

Những thầy cô trong lòng dân bản...

07:46, 29/11/2023

Tháng 1/2016, trong một chương trình tặng quà Tết cho học sinh rẻo cao xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), chúng tôi đi qua một cây cầu có tên là lạ: cầu Cô Oanh.

Sau đó, các thầy cô giáo ở Na Ngoi kể rằng cây cầu ở bản Buộc Mú của xã được đặt theo tên một đồng nghiệp của họ, chính là cây cầu Cô Oanh mà chúng tôi đã đi qua…

Cõng em qua suối, vá áo cho em…

Hỏi ra mới biết, sau khi ra trường năm 1997, cô giáo Đặng Thị Oanh đã xung phong lên dạy ở xã biên giới Na Ngoi, điểm trường Buộc Mú 2.

Những năm tháng đó, học sinh ở bản muốn đến trường phải đi qua suối Cà Na đầu bản, suối có một cây cầu gỗ nhưng rất mong manh như kiểu cầu khỉ ở Nam Bộ, các em lớp nhỏ không dám qua.

Vậy là mỗi ngày cô Oanh đều ra suối để chờ các em đến, những em không qua được vì sợ té xuống suối đều được cô Oanh ghé vai cõng qua suối để đến trường; tan học, các em lại chờ cô Oanh cõng qua suối để về nhà.

Cứ thế suốt mấy năm liền, hết lớp này đến lớp khác. Năm 2003, sau 6 năm dạy ở Na Ngoi, cô được chuyển về dạy ở một trường gần nhà dưới quê. Năm sau đó, năm 2004, một công ty của Bộ Quốc phòng xây một cây cầu bê tông kiên cố bắc qua suối Cà Na dài hơn 60 m.

Khi ấy dù cô Oanh đã về xuôi nhưng hình ảnh cô cõng trò qua suối bao nhiêu năm vẫn in đậm trong lòng người dân Na Ngoi, vậy là khi cầu hoàn thành, bà con đề nghị đơn vị xây dựng gắn biển tên cầu là “cầu Cô Oanh”.

Cầu Cô Oanh ở Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An).

Lòng biết ơn của nhân dân luôn được hiển hiện cụ thể như thế, những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim!

Tấm lòng cô Oanh không phải là chuyện cá biệt. Năm kia, cộng đồng mạng xôn xao về tấm ảnh thầy giáo cũng ở một bản rẻo cao Nghệ An ngồi vá quần áo cho học trò mình.

Đấy là tấm ảnh chụp thầy Lô Văn Thanh, giáo viên điểm trường Huồi Máy (xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong), khi thấy em Mông Văn Châu (dân tộc Khơ Mú) quần áo rách quá, thầy bèn bảo cởi ra cho thầy vá lại.

Nhìn gương mặt háo hức của cậu bé đứng nhìn thầy giáo đang vá quần, trên tay em là chiếc áo rách đang chờ được thầy khâu nốt bỗng cảm thấy có một điều gì đó lớn lao hơn cả niềm xúc động.

Tất cả những điều ấy xoáy vào người xem, vừa như mỗi niềm, vừa như những câu hỏi. Tấm ảnh tình cờ của thầy giáo Lô Văn Tương chụp đồng nghiệp mình chắc bằng một chiếc smartphone đời cũ, “out” nét, nhưng thông điệp của nó gợi lên lại vô cùng rõ ràng.

Đó là tình yêu vô bờ bến của thầy cô giáo cắm bản dành cho học sinh ở những nơi gian khó! Chính những hình ảnh, những câu chuyện chân thực đầy thuyết phục đó đã khiến chúng ta xúc động.

Lặng thầm những hy sinh…

Tôi còn nhớ, tròn 20 năm trước, ngày 20/11/2003, khi đi thăm các thầy cô ở một huyện miền núi tỉnh Quảng Trị, vô cùng sửng sốt khi biết rằng chỉ trong vòng một tháng, ở huyện miền núi Hướng Hóa đã có ba cô giáo chết vì sốt rét. Đó là những sự ra đi liên tiếp quá gần nhau diễn ra trong tháng 11, tháng của ngày tôn vinh nhà giáo.

Tri ân các thầy cô ở trường Na Ngoi với món quà xuân trong một chương trình vì rẻo cao biên giới.

Còn tính từ những năm sau giải phóng, cả đại ngàn Trường Sơn là chốn rừng thiêng nước độc, không ít thầy cô giáo cắm bản đã chết vì sốt quá nặng, vì phương tiện thuốc men thiếu thốn, vì đường sá hiểm trở.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy giáo ở xã Tà Long khiêng một cô giáo ở trường bị sốt rét, vừa khiêng vừa chạy mấy chục cây số xuyên rừng từ bản lên tới bệnh viện huyện. Mà đâu chỉ riêng Quảng Trị, cả một dặm dài biên ải phía Bắc, dằng dặc dải Trường Sơn biên giới phía Tây…, đã có ai thống kê trong ngần ấy năm qua, bao nhiêu thầy cô giáo đã nằm lại với rừng già vì sự nghiệp khai mở văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số? Những thầy, những cô đã chết vì lũ cuốn, vì đắm bè, vì rơi vực, vì sốt rét, vì rắn cắn… dọc dài theo hành trình gieo chữ cho miền biên cương, biển đảo!

Sự gian nan của những thầy cô giáo cắm bản đâu chỉ là chuyện sốt rét ngã bệnh? Mấy năm nay, mỗi mùa mưa lũ, lại nghe thấy nơi này nơi kia những giáo viên bị lũ ống cuốn trôi trên đường đi dạy. Chưa nói đâu xa, mấy năm trước khi chúng tôi lên Sam Lang và đưa câu chuyện các cô giáo chui túi nylon qua suối, nhiều người còn không thể tin đó là chuyện có thật.

Trên hành trình miệt mài gieo con chữ, lặng thầm hy sinh giữa núi rừng hẻo lánh để thắp lên ánh sáng giữa làng bản chốn rừng già, không ít thầy cô giáo đã trả giá bằng chính cuộc đời mình, bằng chính mạng sống của mình.

Rất nhiều những câu chuyện về sự hy sinh ấy của các thầy cô cắm bản ở điểm trường heo hút. Nhưng nỗi âu lo của thầy cô cắm bản không phải là đường về bản gian nan, mang ẩn họa đến cho mình mà lo “đường đi sạt lở hết rồi, bản bị cô lập, không biết các em có xuống lớp không”.

Trong một đêm rừng heo hút độ này mấy năm trước, trong một chuyến công tác tôi thấy các cô giáo chuẩn bị... rượu!

Hỏi ra mới hay, chuẩn bị vào năm học mới, các cô sẽ vào bản động viên các em đi học, muốn thế phải mang rượu theo để mời phụ huynh, không uống được cũng cố nhấp môi mời họ uống để thuyết phục đừng bắt con đi rẫy đi nương mà hãy cho con đến lớp.

Hay như chuyện giản dị nhất, sóng điện thoại - điều bình thường với mỗi chúng ta, ngay cả Trường Sa xa xôi và gian khó, điện thoại phủ sóng hầu khắp, vậy mà với những điểm trường biên ải, nhiều thầy cô đã mừng như bắt được vàng khi tìm được điểm “sóng rơi”, có khi cách trường vài cây số, mỗi khi muốn liên lạc lại cuốc bộ lên điểm hứng sóng ấy để gọi về gia đình.

Rất nhiều câu chuyện như thế mà nếu không đến với những bản làng heo hút, sống cùng những thầy cô đang gieo chữ sẽ không bao giờ thấu hiểu!

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.